(Góc nhìn của một Gen Z đời đầu sau 4 năm đi làm)
Disclaimer:
- “Gen Z” trong bài viết này chỉ những người sinh năm 1996-2010. Tớ hiểu rằng không phải bạn nào sinh năm 1996-2010 cũng mang những tính cách mà truyền thông đang gán cho Gen Z (tính cá nhân cao, năng nổ, bị peer pressure, giỏi công nghệ…)
- Bài viết này là góc nhìn của cá nhân tớ, không phải chân lý. Cậu hãy cứ đọc, và tiếp nhận những nội dung cậu thấy liên quan nhé.
1.
Tớ đang làm việc trong một team mà nhân sự quá bán là Gen Z, còn leader sinh năm 81 (đầu Gen Y). Tụi tớ hay đùa sếp là: Vài năm nữa, ảnh sẽ trở thành diễn giả chủ đề Kỹ năng quản lý (nhân viên) Gen Z, vì đã “sống sót” – thậm chí “sống tốt” – được giữa một đám Gen Z loi choi như vậy.
Đùa, nhưng trong đó có sự thật. Team tớ hiện tại chính là hình ảnh thu nhỏ của thị trường lao động tầm 3-5 năm nữa: quản lý Gen Y hoặc Gen Z, và lóc nhóc một bầy nhân viên Gen Z.
2.
Vậy khi có các thế hệ khác nhau trong cùng môi trường làm việc, ta cần chú ý điều gì? Theo Lindsey Pollak, tác giả cuốn sách Recalculating: Navigate Your Career Through the Changing World of Work: “Mỗi thế hệ giống như là đến từ một đất nước khác nhau vậy. Họ không sử dụng chung ngôn ngữ, và cũng không có tập quán giống nhau.”
Đặc biệt, Pollak đưa ra một lưu ý cho các quản lý có nhân viên là Gen Z: “Bạn cần phải hỏi cho RÕ, và/hoặc đảm bảo nhân viên hiểu CỤ THỂ những gì bạn mong muốn họ thực hiện tại nơi làm việc.”
Ví dụ, nếu muốn trao đổi với Gen Z về giờ làm việc, quản lý không nên nói “Đừng đến muộn quá”. Vì “đừng đến muộn quá” với Gen X/Y có thể nghĩa là trước 9h sáng, nhưng với Gen Z có thể là trước 10h. Thay vào đó, quản lý cần đưa ra hướng dẫn cụ thể, đo lường được bằng những hệ quy chiếu chung – chẳng hạn “hãy có mặt tại văn phòng trước 9h”.
Hoặc, nếu muốn thuyết phục Gen Z làm một điều gì đó, quản lý cần đưa ra các lý do cụ thể, có dẫn chứng, có số liệu. Chỉ sử dụng “kinh nghiệm” hay “cảm giác” đơn thuần thì khó có thể khiến Gen Z tâm phục khẩu phục.
3.
Hai tip nữa để quản lý nhân viên Gen Z, không được đưa ra trong sách, nhưng tớ học được từ sếp tớ là: (1) lắng nghe; (2) không ngừng nâng cấp bản thân.
Đầu tiên, sếp tớ có khả năng lắng nghe nhân viên rất đỉnh. Kể cả khi tụi tớ luống cuống, trình bày thông tin loạn tùng phèo, ảnh vẫn có khả năng nghe và lọc ra được các ý giá trị nhất. Tất nhiên quyền quyết định cuối cùng nằm ở ảnh, nhưng thấy sếp thực sự lắng nghe và ghi nhận ý kiến cũng làm cho đám Gen Z tụi tớ – những đứa vốn có tính cá nhân cao – cảm thấy được trân trọng, và tiếp tục năng nổ đóng góp cho công việc chung của team.
Thứ hai, muốn quản lý được Gen Z thì bản thân những người làm sếp cần không ngừng nâng cấp bản thân. Thế giới, thị trường hiện tại vốn đã rất “VUCA”; Gen Z lại là một thế hệ có khả năng học rất nhanh. Đã qua rồi cái thời quản lý có thể lấy kinh nghiệm ra “đè” nhân viên. Người quản lý của hiện tại cần đón đầu các xu hướng, nắm vững kiến thức chuyên môn, để hỗ trợ, định hướng cho nhân viên.
Trong trường hợp của tớ – đang làm chuyên môn liên quan đến digital learning, sếp tớ luôn chủ động cập nhật thông tin về các xu hướng mới nhất về thói quen học tập, về công nghệ. Mỗi khi cần được tư vấn về chuyên môn, người đầu tiên tớ nghĩ đến luôn là sếp. Trong các cuộc họp, khi chốt phương án thực hiện, ảnh luôn giải thích rành mạch lý do là gì, dựa trên chứng cứ nào… vừa giúp chúng tớ học được cách tư duy chuyên môn, vừa để chúng tớ thực sự hiểu chiến lược lớn và chủ động engage với công việc.
Cá nhân tớ cảm thấy an tâm về lộ trình phát triển lâu dài của mình, khi được làm việc với một người quản lý như vậy.
4.
Chốn công sở vài năm trước có thể giống một đất nước của Gen X và Gen Y, những Gen Z đầu tiên đi làm sẽ cần “nhập gia tuỳ tục”. Nhưng với tỷ lệ Gen Z ngày càng tăng trong thị trường lao động, sắp đến lúc những thế hệ trước cần làm quen với “tập quán” và “ngôn ngữ” của Gen Z.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại: It takes two to tango. Quản lý cần thay đổi là một chuyện, nhưng bản thân Gen Z cũng cần chủ động hoà nhập nữa. Không phải cái gì đúng với mình cũng là chân lý của thời đại.
Sau này, sẽ đến lúc Gen Z chào đón sự xuất hiện của Gen Alpha, một thế hệ “người nước ngoài” khác. Chung quy, để làm việc với nhau một cách hiệu quả và vui vẻ, ta chỉ cần nhớ: “Vừa xinh” của mình không chắc đã là “vừa xinh” của người ta. Vậy là được.
P.s. Xem thêm 7749 content về Gen Z đi làm TẠI ĐÂY nè.