Vị của thất bại, nên nếm như thế nào?

1.

“Em thi IELTS lần này là lần 3, tốn gần 15 triệu rồi, mà vẫn chưa được 7.0. Em nản quá, phải làm gì bây giờ?”

“Em đã luyện rất nhiều rồi, nhưng không qua nổi vòng Aptitude Test trong lúc thi Management Trainee. Là do em không thông minh nên phải chịu vậy hả chị?”

“Em đã cày ngày cày đêm nhưng vẫn không nhận được học bổng kỳ này, trong khi mấy đứa bạn em chẳng học nhiều như em lại được học bổng…”

Thất bại làm chúng ta đau đớn. Chúng ta bắt đầu với chan chứa hy vọng: dù cạnh tranh đó, dù khó đó, dù mình chưa tự tin đó, nhưng “biết đâu” mình sẽ thành công; thế rồi cái “biết đâu” đó không xảy ra. Hoặc là, chúng ta vốn được khen thông minh, học giỏi từ nhỏ, rồi khi lớn lên, ta rơi vào trạng thái tuyệt vọng khi mọi thứ không diễn ra một cách suôn sẻ, khiến ta hoài nghi năng lực của bản thân.

Nhưng cậu biết không? Những thất bại như hôm nay sẽ còn tìm đến hàng chục lần nữa trong cuộc đời mình đó. Sẽ còn vô số chuyện không diễn ra theo đúng ý mình. Là người, ai cũng phải trải qua điều đó cả.

Cuộc sống là một đồ thị hình sin, lên rồi sẽ xuống, xuống rồi lại lên. Thất bại ngày hôm nay là chuyện bình thường, là chuyện tự nhiên, là chuyện tất yếu.

Điều quan trọng ta cần nhớ là: Không phải vì thất bại một lần này mà cả đời cậu là kẻ thất bại. Lần thất bại này là hồi chuông để cậu nhìn lại, và nhận ra mình đã chọn sai cách tiếp cận để thực hiện điều mình muốn, đơn giản vậy thôi.

2.

Mọi người có thể từng nghe là tháng 9/2016, tớ được trao học bổng toàn phần của BUV (Đại học Anh quốc Việt Nam). Nhưng điều không phải ai cũng biết là: trước đó, tớ đã trượt 3 học bổng khác.

Năm lớp 12, tớ đặt mục tiêu học đại học trong môi trường giáo dục quốc tế – tức là hoặc đi du học, hoặc học trường quốc tế tại Việt Nam. Với điều kiện tài chính hạn hẹp của gia đình, tớ gửi hồ sơ xin học bổng toàn phần ở khá nhiều nơi, nhưng lần lượt nhận thư từ chối.

Mỗi lần đọc đến đoạn “Chúng tôi rất tiếc…” trong thư báo kết quả học bổng là một lần tâm trạng tớ tụt xuống đáy của sự tuyệt vọng. Sau 3 bức thư từ chối, tớ bắt đầu nghĩ rằng năng lực của mình chẳng là gì so với mặt bằng chung. Tớ đã chán chường, mất tự tin, và muốn bỏ cuộc.

Rồi một sáng, tớ thức dậy và dành thời gian ngẫm lại vì sao mình không được chọn. Với 12 năm học phổ thông tại Việt Nam – môi trường nơi học sinh được kỳ vọng phải “giỏi toàn diện”, GPA phải thật cao ở tất cả các môn học – tớ đã nghĩ rằng một hồ sơ học bổng lý tưởng phải thể hiện bản thân thật toàn diện, mỗi thứ giỏi một tí cũng được, nhưng phải có hết mọi thứ.

Những hồ sơ học bổng bị từ chối của tớ liệt kê GPA cao ở tất cả các môn, liệt kê nhiều hoạt động ngoại khoá, nhưng chẳng có câu chuyện kết nối nào cả. Cậu biết đấy, một hồ sơ mà cái gì cũng có một tí thì hoá ra lại chẳng có cái gì đủ đặc sắc để ban tuyển sinh phải nhớ đến cả.

Tớ nhận ra, bản thân đã đi sai một nước đi quan trọng. Khi muốn “bán” một điều gì đó, ta cần bắt đầu từ việc “khách hàng” cần gì, chứ không phải “sản phẩm” của mình có gì!

Nhận ra điều đó, tớ bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về những trường còn đang mở học bổng, tìm hiểu xem mỗi trường coi trọng giá trị gì, đang tìm kiếm những sinh viên như thế nào. Rồi với quyết tâm “sửa sai” cao độ, tớ đã quyết định dành trọn 2 tuần (từ bỏ ôn tập môn Văn tốt nghiệp) để đập bộ hồ sơ cũ đi làm lại, vừa kịp deadline học bổng của BUV.

Những chuyện sau đó thì đều là lịch sử cả rồi. Tớ đã tận hưởng 3 năm học tại BUV – một trường đại học quốc tế có tiếng ở Việt Nam – mà không tốn một xu học phí.

3.

Khi thất bại, điều ta cần làm không phải hô hào quyết tâm suông rằng mình sẽ chăm chỉ hơn nữa, “biết đâu” lần sau sẽ thành công. Thay vào đó, ta cần đặt câu hỏi: “Mình học được gì từ trải nghiệm lần này?”.

Thiếu sự phản tư, khả năng ta lặp lại thất bại tương tự sẽ rất cao. Giống như tớ đã 3 lần nộp đi nộp lại một bộ hồ sơ học bổng không phù hợp, và 3 lần thất bại, cho đến khi biết phản tư, biết rút ra bài học và tiếp cận vấn đề khác đi.

Thất bại sẽ luôn là một phần của cuộc sống. Giống như trời mưa vậy. 365 ngày trong năm, thế nào cũng có những ngày mưa. Điều quan trọng là sau lần gặp mưa đầu tiên, ta học được rằng cần xem dự báo thời tiết trước khi ra khỏi nhà, cần chuẩn bị áo mưa, chứ không vô tri lao ra khỏi nhà mỗi ngày và tự nhủ “biết đâu”…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top