Về câu chuyện “Thế hệ trẻ mong manh…”

“Ngày xưa có ai mắc bệnh tâm lý đâu, giờ lại có.”

“Bọn trẻ giờ mong manh lắm, vất vả tí cũng không chịu được.”

Không khó để gặp những bình luận này trong các thảo luận về Gen Z.

Từ lâu, tớ đã lờ mờ nhận ra trong những lời nhận xét trên có gì sai rất sai, nhưng chưa bao giờ diễn đạt được chính xác sai chỗ nào, cho đến khi tớ nghe được chia sẻ của thầy Minh Niệm trong podcast Have A Sip. Thầy nói:

ĐỂ CHỮA LÀNH, MỘT NGƯỜI CẦN:

(1) CHẤP NHẬN RẰNG BẢN THÂN CÓ VẤN ĐỀ CẦN SỬA ĐỔI

(2) NỖ LỰC ĐỂ SỬA ĐỔI VẤN ĐỀ ĐÓ

Cơ bản thì, mỗi thế hệ “mong manh” theo một cách khác nhau (không phải mỗi Gen Z mới “mong manh”).

Sức mạnh của thế hệ cha mẹ chúng ta nằm ở sự nỗ lực, tính kỷ luật cao, vượt lên nghịch cảnh. Nhưng thế hệ cha mẹ lại “mong manh” ở chỗ: không chịu chấp nhận nhìn thẳng vào điểm yếu của bản thân, không chấp nhận rằng bản thân cũng có những vấn đề cần sửa đổi. Kể cả khi nhận ra vấn đề rồi, “người lớn” cũng dễ bị cuốn theo cái bẫy “sĩ diện”, hoặc không dám bỏ xuống 7749 loại trách nhiệm để tập trung chữa lành.

Cha mẹ chúng ta thường giỏi (2) nhưng yếu (1). Nỗ lực nhưng cố chấp.

Trong khi đó, thế hệ trẻ chấp nhận bản thân dễ dàng hơn, thoải mái với cả mặt mạnh và mặt yếu của bản thân, không gồng. Nhưng ngược lại, sự “mong manh” của nhiều người trẻ nằm ở chỗ thiếu nỗ lực chuyển hoá, dễ tự đánh đồng toàn bộ bản thân với những mặt yếu, thậm chí không màng đưa bản thân vào kỷ luật để chữa lành.

“Bọn trẻ” chúng ta thường giỏi (1) nhưng yếu (2). Chấp nhận nhưng thiếu kỷ luật.

Để ví von (một cách oversimplified & extreme), nếu công ty đang đứng trước một vấn đề, nhân viên “thế hệ trước” có xu hướng gửi một report đề xuất 5 chục cái giải pháp, trong khi đó chưa chắc đã có trang nào phân tích lý do; còn nhân viên “hệ Gen Z” sẽ gửi một báo cáo 5 chục trang phân tích nguồn cơn vấn đề, nhưng rồi chưa chắc đã đưa ra giải pháp nào.

Lúc nào cũng vậy, sự khác biệt thế hệ luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Chục năm trước, chúng ta thấy sự “đối đầu” giữa Gen X và Gen Y; giờ thì đến giai đoạn Gen X-Y và Gen Z battle. Tớ nghĩ điều này là bình thường, sự khác biệt là bình thường. Quan trọng là sự nỗ lực của cả hai phía để thấu hiểu nhau, để embrace sự “mong manh” của nhau, giống như những gia đình Disney gần đây trong Encanto, Turning Red vậy.

“Người lớn” sẽ cần mở lòng để hiểu rằng: CHẤP NHẬN là bước đầu tiên trong việc thay đổi; chấp nhận không đồng nghĩa với đầu hàng, bỏ cuộc; chấp nhận là dám nhìn thẳng vào sự thật rằng ai cũng có điểm mạnh điểm yếu, ghi nhận sự tồn tại của vấn đề, chăm sóc nó, rồi vượt qua (việc mà “người lớn” vốn đã giỏi).

Còn “bọn trẻ” thì cần nhớ rằng yêu bản thân là tốt, nhưng một lần nữa, chấp nhận không đồng nghĩa với đầu hàng, bỏ cuộc. Chỉ chấp nhận bản thân thôi là chưa đủ, để chuyển hoá cần NỖ LỰC, Ý CHÍ, KỶ LUẬT nữa. Chúng ta giỏi nhìn thẳng vào vấn đề, nhưng đừng chỉ “nhìn” để đó. “Nhìn” xong rồi cần hành động để giải quyết vấn đề, để chữa lành cho bản thân nữa, nha.

———————

P.s.1. Nếu muốn giải quyết triệt để xung đột, luôn luôn cần sự nắm tay của CẢ HAI bên. Nhưng trong thực tế không phải lúc nào ta cũng đạt được trạng thái lý tưởng này (“mình đưa tay rồi nhưng người ta không nắm”). Trong trường hợp đó, một hướng đi khác có thể là ta tập trung sự chú ý vào những mảng cuộc đời khác, để “bù” năng lượng tích cực: công việc, học hành, bạn bè, tình yêu, hoạt động xã hội, v.v.

———————

P.s.2. Về câu “Ngày xưa có ai mắc bệnh tâm lý đâu, giờ lại có.”

Trong phim Đêm Tối Rực Rỡ! (đọc review phim TẠI ĐÂY), nhân vật ông bố (thế hệ 6x), có nói một câu đại ý: “Ngày xưa bố tao cũng đánh, cũng chửi, cũng làm nhục tao, nhưng tao có bị bệnh tâm lý như mày đâu; mà tao đánh chửi mày, mày lại kêu bị bệnh tâm lý?”.

Nhưng sự thật là ông bố có bị tổn thương tâm lý. Chẳng ai không-bị-tổn-thương-tâm-lý, lại vô thức táng vào mặt con, đập đầu con vào tường, lấy dao kề cổ con, trấn nước con mình cả. Sự tổn thương đã-đang-sẽ truyền từ đời này qua đời khác, cho đến khi một thế hệ đủ mạnh mẽ để vùng lên, cắt đứt chuỗi tổn thương độc hại này.

Không phải “tao” không bị tổn thương tâm lý, mà “tao” không biết/ không chấp nhận việc mình đã bị tổn thương tâm lý – cũng dễ hiểu thôi, vì thời của “tao”, khoa học tâm lý đã phổ biến đâu mà “tao” biết được thế là là tổn thương, thế nào không.

———————

P.s.3. Dạo gần đây, chủ đề khác biệt thế hệ (nếu không muốn nói là xung đột thế hệ) có vẻ được khai thác trên phim ảnh khá nhiều.

Nhân vật phản diện trong phim Disney chuyển từ những Maleficent, Ursula, Jafar… thành chính người bà trong Encanto, người mẹ trong Turning Red. Phim Hàn có series Reply cũng khai thác chủ đề này, dù nhẹ nhàng hơn. Điện ảnh Việt gần đây có Bố Già, Đêm Tối Rực Rỡ.

Nhưng điểm chung là phim nào cũng kết thúc với việc các thế hệ mở lòng mình và thấu hiểu nhau hơn, một cái kết có hậu mà ngoài đời, các thế hệ cũng nên đồng lòng, nỗ lực để tạo ra.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top