Để tớ đoán nhé. Trong 2024 resolutions của cậu đang có ít nhất một mục tiêu dạng “được thăng chức”, hoặc “có người yêu” – kiểu mục tiêu mà KHÔNG phải một mình cậu cố gắng là chắc chắn đạt được ấy?
Hai kiểu mục tiêu
Khi thiết lập mục tiêu, có những mục tiêu mà trách nhiệm thuộc về cậu hoàn toàn. Ví dụ: hình thành thói quen tập thể dục hàng ngày; đi ngủ trước 11h mỗi ngày.
Nhưng cũng có những mục tiêu mà việc đạt được hay không sẽ phụ thuộc vào vô vàn yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của cậu. Ví dụ: Để “được thăng chức”, không phải cậu cứ làm việc giỏi là được; kết quả làm việc của cậu phải được sếp ghi nhận (tương đương: ít nhất sếp cậu phải còn làm việc ở công ty vào thời điểm đánh giá kết quả làm việc 🙂), công ty của cậu phải làm ăn ổn áp trong năm sau, vị trí cậu muốn thăng tiến phải còn trống… và ti tỉ thứ khác nữa.
Vậy ta làm gì với những mục tiêu kiểu này? Bỏ luôn, khỏi thiết lập gì sất? Hay cứ đặt mục tiêu để đó, rồi cúng ông bà phù hộ cho thiên thời địa lợi nhân hoà?
Giải pháp: “Kiểm tra giải thuyết” thay vì “đặt mục tiêu”?
Cậu thử nghĩ về cách người ta làm thí nghiệm khoa học nhé. Ai đó đưa ra một giả thuyết, họ muốn kiểm tra xem nó đúng hay sai. Thế là, họ thiết kế một thí nghiệm, thực hiện thí nghiệm, thu thập dữ liệu và phân tích. Dựa trên kết quả thí nghiệm, họ có thể xác định xem giả thuyết ban đầu đúng hay sai.
Quay lại chủ đề thiết lập mục tiêu, khi cậu chọn “kiểm tra giải thuyết” thay vì “đặt mục tiêu”, cậu sẽ đặt giả thuyết: ‘Nếu mình làm X, mình sẽ đạt được kết quả Y” và kiểm tra tính đúng – sai của giả thuyết đó.
Ví dụ:
- Thay vì đặt mục tiêu “Mình sẽ được thăng chức vào đợt đánh giá tháng 12/2024”…
- Cậu chuyển sang kiểm tra giả thuyết: “Nếu trong 11 tháng đầu năm, mình nhận một project lớn và tăng được visibility trong mắt các C-level, mình sẽ được thăng chức vào đợt đánh giá tháng 12/2024”.
- Nếu sau 12 tháng thí nghiệm, giả thuyết trên đúng thì tốt rồi. Còn nếu giả thuyết trên sai, cậu sẽ điều chỉnh giả thuyết và tiếp tục thí nghiệm cho đến khi tìm được giả thuyết đúng, hoặc từ bỏ.
Phương pháp “kiểm tra giả thuyết” ghi nhận tính VUCA(*) của thế giới hiện đại, và giúp cậu chuyển sự tập trung từ kết quả sang quá trình.
(*) VUCA là từ viết tắt cho 4 đặc tính của thế giới hiện đại: Volatility (Nhiều biến động) – Uncertainty (Không chắc chắn) – Complexity (Phức tạp) – Ambiguity (Mơ hồ). Thuật ngữ VUCA được sử dụng để chỉ một thế giới khó nắm bắt và khó đối phó vì có quá nhiều thay đổi trong một khoảng thời gian ngắn.
Lời kết
Tớ đã từng từ bỏ việc đặt mục tiêu dài hơi (trên 2 năm), vì thế giới biến động nhiều quá. Nhưng từ sau khi biết đến ý tưởng “kiểm tra giả thuyết” này, tớ cảm thấy thoải mái hơn trong việc lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Phương pháp “kiểm tra giả thuyết” giúp tớ tập trung vào một định hướng, nhưng cũng giúp bản thân tớ không quá điên đầu nếu kết quả giả thuyết là sai.
Giáo sư dạy môn Phương pháp Nghiên cứu (Research Methodology) hồi đại học từng nói với tớ là: Khi kiểm tra giả thuyết, kể cả kết quả trả về có là “giả thuyết đúng” hay “giả thuyết sai”, thì mình cũng có thêm được kiến thức. Tương tự, việc tập trung vào thực hiện giả thuyết, và kiểm tra nó, sẽ luôn giúp cậu học được điều gì đó, không bổ dọc thì cũng bổ ngang.
P.s.
Dưới đây là hai bài viết gốc – nơi tớ đã phát hiện ra ý tưởng về phương pháp “kiểm tra giả thuyết”: