Chắc các cậu vẫn nhớ hồi nhỏ, mỗi lần muốn đi đâu, ta đều cần ba mẹ chở đi, gần nhà lắm thì cũng phải xin phép ba mẹ mới được đi. Đồ ta ăn từng bữa đều do ba mẹ/ ông bà/ nhà trường chọn lựa. Nhỏ thì không có tiền, nên ta được mua hay không được mua đồ chơi gì cũng phụ thuộc hoàn toàn vào ba mẹ.
Tóm lại, khi còn nhỏ, ta bị giới hạn về quyền đưa ra quyết định. Thế giới lúc đó của chúng ta hầu hết được vẽ nên bởi những quyết định của người lớn.
Chớp mắt qua 20 năm, tự dưng ta thấy bản thân bị bủa vây bởi quá nhiều lựa chọn, từ vi mô đến vĩ mô: hôm nay ăn gì? ăn mấy giờ? đi ngủ sớm hay cày phim muộn? tiền nhà tiền nước tháng này mình sẽ trả vào ngày nào? làm báo cáo A trước hay lên kế hoạch event B trước? định hướng công việc năm nay của mình ra sao? đầu tư vào hạng mục gì? nên tìm kiếm một người bạn đời thế nào? mà thực ra mình có cần bạn đời không?…
Theo nghiên cứu, một người lớn cần đưa ra trung bình 35.000 quyết định mỗi ngày (trong khi con số của trẻ em là 3.000 quyết định/ngày). Và để đưa ra đống quyết định đó, rõ ràng não ta cần cân đối các ưu tiên, giá trị cá nhân, blah bloh, nói chung là phân tích một tỷ thứ dữ kiện.
Tớ có đứa em gái lớp 12, và tớ hay đùa với nó: “Dấu hiệu của sự trưởng thành là trong điện thoại có app thiền.” Đùa mà là thật, vì khi trong đầu luôn có quá nhiều suy nghĩ, quá nhiều quyết định lớn nhỏ phải đưa ra, thì không thiền sao sống được.
Tớ nghĩ: trưởng thành là khi chúng ta có quyền và có nghĩa vụ đưa ra rất rất nhiều quyết định. Những quyết định đó không chỉ dừng ở những mảng lớn như học tập, công việc, gia đình, mà còn liên quan đến đủ hạng mục sinh hoạt, giải trí, cơm áo gạo tiền…
Ba tớ hay bảo: “Con đường là do mình chọn.” Trưởng thành, chúng ta có quyền quyết định mọi khía cạnh trong cuộc sống của bản thân. Đây vừa là trách nhiệm, nhưng cũng là đặc quyền, nhỉ?
À đấy, rồi hôm nay ăn gì?