Trứng vàng hay con ngỗng?

Ngày xửa ngày xưa, ở ngôi làng nọ có một bác nông dân nghèo. Một hôm, bác phát hiện một quả trứng vàng lấp lánh trong ổ con ngỗng của mình.

Lúc đầu, bác tưởng có ai bày trò chơi khăm. Nhưng khi nhặt quả trứng xem xét, bác không thể tin nổi vào vận may đang đến với mình: quả trứng là vàng thật! Từ đó, mỗi ngày khi thức dậy, bác lại chạy ngay đến ổ ngỗng và lấy được một quả trứng vàng. Chẳng bao lâu, bác nông dân trở nên giàu có.

Tuy nhiên, càng giàu thì lòng tham của bác nông dân lại càng lớn. Đến một ngày nọ, bác không còn đủ kiên nhẫn để chờ từng ngày trôi qua mà nhận từng quả trứng vàng nữa. Bác quyết định giết con ngỗng để lấy tất cả số trứng trong bụng nó luôn. Nhưng khi mổ bụng con ngỗng ra thì trời ơi, bên trong trống rỗng, tuyệt nhiên không có quả trứng vàng nào cả!

Kết cục, từ đó về sau bác nông dân không còn nhận được quả trứng vàng nào nữa vì đã giết chết con ngỗng rồi!

Trong “7 Habits Of Highly Effective People”, Steven R. Covey viết rằng:

“Câu chuyện ngụ ngôn trên cho thấy tính hiệu quả phụ thuộc vào hai yếu tố: sản phẩm (những quả trứng vàng) và phương tiện/năng lực để sản xuất ra những sản phẩm đó (con ngỗng).

Nếu bạn chỉ chú trọng vào “những quả trứng vàng” mà bỏ qua “con ngỗng”, bạn sẽ sớm mất đi phương tiện sản xuất ra các quả trứng vàng. Mặt khác, nếu bạn chỉ chăm sóc “con ngỗng” mà không đặt mục tiêu tạo ra “trứng vàng”, bạn cũng sẽ sớm không còn gì để nuôi sống bản thân hay con ngỗng luôn.”

Hay không? Hay nhỉ.

Nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng tạo cơ hội để chúng ta cân bằng nuôi ngỗng với lấy trứng vàng đâu?

Chúng ta có deadline, chúng ta có áp lực cơm áo gạo tiền, chúng ta có những cơ hội lớn trong ngắn hạn, mà nếu không sống chết nắm lấy, cả cuộc đời ta sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Đời thì bao giờ cũng khó hơn sách mà.

Về mặt công việc, 2021 là một năm tớ chọn ưu tiên trứng vàng hơn con ngỗng. Có những cơ hội lớn xuất hiện, và tớ cày ngày cày đêm để tạo trứng vàng, chấp nhận để con ngỗng sức khoẻ của tớ gần nghoẻo mấy lần. Hồi lớp 11-12, tớ cũng từng lựa chọn như vậy: ngủ 2-3 tiếng/ngày để dành thời gian học này thi nọ, bất chấp những trận ốm 3 tháng 1 lần khi sức khoẻ chạm đáy. Tớ cố tình vắt kiệt sức con ngỗng, chỉ khi nó gần nghoẻo thì tớ dừng.

Có đáng không? Hiện tại thì tớ nghĩ là có. Nhưng tương lai thì tớ không chắc mình còn làm như thế được bao lâu nữa. Về lâu về dài, cách tiếp cận này không bền vững. Hồi 17 tuổi, tớ có thể vắt con ngỗng sức khoẻ liên tục cả năm. Nhưng ở tuổi 23, tớ cảm nhận rõ ràng rằng sức bền của con ngỗng đã giảm nhiều so với trước. Và sớm thôi, con ngỗng sức khoẻ của tớ sẽ không thể chịu được kiểu vắt kiệt như vậy nữa.

Vậy nên làm gì? Tớ nghĩ: đồng thời với việc chăm chút cho con ngỗng sức khoẻ, tớ phải bắt đầu vỗ béo cho con ngỗng thứ hai mang tên “năng lực chuyên môn”. Tớ tin rằng cần có cả hai con ngỗng, tớ mới tạo được trứng vàng một cách bền vững.

Còn cậu thì sao? Ở giai đoạn này, cậu chọn nuôi ngỗng hay lấy trứng vàng như thế nào?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top