Trọng tâm của việc HỌC GIỎI không nằm ở việc học gì, mà nằm ở việc KHÔNG HỌC GÌ.

(Chia sẻ từ một đứa chưa từng rời top 2 của lớp/trường/thành phố/quốc gia trong 15 năm đi học, và mới tốt nghiệp lộ trình Management Trainee)

Cậu không đọc nhầm title đâu.

1.

Hồi cấp 3 học chuyên Anh, cô giáo từng giao cho cả lớp tớ cày Olympic – một giáo trình luyện thi tiếng Anh đồ sộ. Trong khi hầu hết các bạn trong lớp chăm chỉ cày từng đề một, tớ chỉ thực làm 60% bài trong đó; với 40% còn lại, tớ… chép đáp án.

60% tớ chọn làm là những dạng bài giúp tớ nâng cao vốn từ vựng, ngữ pháp, phát âm, hoặc có khả năng nằm trong đề khi đi thi… Còn 40% kia, tớ đánh giá là không giúp tớ giỏi tiếng Anh hơn, cũng chẳng giúp tớ trúng đề, nói thẳng là không đem lại giá trị gì, nên tớ không làm cho đỡ tốn thời gian.

Năm đó, tớ là đứa đạt điểm cao nhất trong gần 300 thí sinh toàn quốc thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh.

2.

Năm 2022, tớ nhận một công việc mới toe là dựng bài e-learning. Tớ đã khá hoảng khi nghĩ rằng bản thân cần học một nùi thứ mới có thể bắt đầu: từ nguyên tắc dựng bài, cho đến các phần mềm.

Nhưng rồi, một anh đồng nghiệp senior đã bảo tớ là: Em tập trung học 20% kỹ năng nền tảng mà tạo ra 80% hiệu quả trước; đống 80% chuyên sâu còn lại, tạm thời mặc kệ đi. Tớ đã làm theo, và kết quả cuối cùng hoàn toàn không tệ với một đứa lần đầu tiên đụng vào công việc này.

3.

Ở thời điểm ta bắt đầu học một thứ gì đó, ta nên xác định ta học nó để làm gì, rồi vạch ra giới hạn giữa những thứ sẽ học, và những thứ sẽ KHÔNG học.

Người học nhảy chỉ để thoả đam mê cover K-pop sẽ không cần ưu tiên học từng động tác kỹ thuật hay cách dựng vũ đạo. Người học nhảy để trở thành vũ công chuyên nghiệp sẽ không cần ưu tiên ghi nhớ vũ đạo từng bài K-pop đang “trend” ở thời điểm hiện tại.

Người học ngoại ngữ để làm kinh doanh sẽ không cần ưu tiên học cách gọi tên & phân tích từng hiện tượng ngữ pháp. Người học ngoại ngữ để trở thành giáo viên phổ thông (dạy ngoại ngữ đó), sẽ không cần ưu tiên học các thuật ngữ kinh doanh hay kỹ thuật đặc thù.

Lời kết

Khi ta tham gia một khoá học, hay đọc sách với hy vọng học được cái gì đó, 99% trường hợp, giảng viên/ tác giả sẽ không thể biết ta thực sự cần gì nhất (tất nhiên, vì họ đâu phải gia sư riêng của ta), nên họ sẽ dạy cho ta mọi thứ. Nhưng tin tớ đi, cậu không cần cố nhớ hết 100% đâu, chỉ cần lọc những gì cần thiết nhất, thấm nó, và dùng nó, là đủ để bắt đầu rồi.

Tóm lại, bí kíp để HỌC GIỎI (đặc biệt ở thời điểm mới bắt đầu), không nằm ở việc học gì, mà nằm ở việc KHÔNG HỌC GÌ.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top