Để suy nghĩ thông suốt hơn | Phần 4: Thực hiện nghi thức

Cuộc sống này vốn bất toàn, vô thường và dang dở (*). Nhiều khi, chúng ta bị choáng ngợp bởi những lo lắng, những tình huống dở khóc dở cười. Vậy, có những thủ thuật nào để ta điều hoà cảm xúc tốt hơn, nhìn nhận vấn đề sáng suốt hơn vào những lúc như vậy?

Trong chuỗi 4 bài viết (xem đầy đủ TẠI ĐÂY), mình cùng tham khảo một vài phương pháp giúp bản thân bình tâm hơn nhé!

4 phương pháp này được đúc kết từ các nghiên cứu của Ethan Kross – một nhà tâm lý học thực nghiệm, nhà khoa học thần kinh và nhà văn người Mỹ, chuyên về điều hòa cảm xúc. Kross hiện cũng là giáo sư tâm lý học và quản lý, đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm Cảm xúc & Kiểm soát Bản thân, tại Đại học Michigan, Mỹ.


Thế giới làm gì trong những hoàn cảnh gây lo âu?

Cậu từng nghe phụ nữ Israel sống trong vùng chiến sự làm gì để kiểm soát cảm giác lo âu và dòng suy nghĩ miên man trong đầu chưa? Họ cầu nguyện, thực hiện những nghi lễ cầu bình an với thần linh.

Ở các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, người ta làm gì khi người thân qua đời? Trước một sự kiện dễ gây ra nhiều lo âu như vậy, người ta thường thực hiện các nghi thức (nghĩ mà xem).

Nghi thức có thể khác nhau tuỳ theo văn hoá, tôn giáo, nhưng nghiên cứu (**) cho thấy việc tham gia vào một nghi thức nói chung có thể giúp ta điều hoà những suy nghĩ tiêu cực trong đầu.

Nghi thức không chỉ xuất hiện trong các thực hành tôn giáo, mà còn có mặt trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống.

Các vận động viên thường có những nghi thức riêng trước khi thi đấu. Ví dụ, vận động viên bơi lội người Úc, Stephanie Rice, trước mỗi cuộc đua đều vung tay tám lần, ấn kính bơi bốn lần, chạm vào mũ bơi bốn lần.

Olympics news 2021: Australian swimming great Stephanie Rice breaks down in  emotional clip, Instagram

Còn với Rafael Nadal – vận động viên tennis người Tây Ban Nha, cứ trước khi giao bóng, anh ấy sẽ thực hiện một nghi thức bao gồm: chỉnh lại quần đùi ở phía trước và phía sau, chạm vào vai trái, sau đó là vai phải, vén tóc ra sau tai, nhăn mũi và chạm vào má. Một lần, có người hỏi, “Vì sao anh lại thực hiện những nghi thức kỳ lạ này?”. Ảnh trả lời: “Những nghi thức này là một cách để tôi sắp xếp lại tâm trí, cung cấp sự trật tự mà tôi tìm kiếm khi thi đấu.”

Can Rafael Nadal retire from tennis on a high? Laura Robson hopes he gets  send off he wants | Tennis News | Sky Sports


Nghi thức giúp điều hoà cảm xúc như thế nào?

Vì sao nghi thức lại hữu ích vào những lúc ta thấy khó quản lý những suy nghĩ và cảm xúc đang cuồn cuộn trong đầu?

Thứ nhất, nghi thức nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của ta. Nghi thức là một chuỗi hành vi không đổi mà ta lần nào ta cũng làm theo một cách định trước, đoán trước được. Nghi thức tạo cho ta cảm giác được nắm quyền, bù đắp cho cảm giác bất lực khi ta vật lộn với sự lo âu hoặc dòng suy nghĩ tiêu cực.

Thứ hai, việc thực hiện nghi thức thường đòi hỏi sự tập trung cao độ. Thường thì, các nghi thức khá phức tạp; để hoàn thành nghi thức, ta phải tập trung vào từng bước riêng lẻ của nghi thức đó. Điều này có thể tạm thời đánh lạc hướng ta khỏi những suy nghĩ miên man trong đầu.


Ứng dụng nghi thức trong cuộc sống hàng ngày

Việc thực hiện nghi thức thực ra không hề khó. Chính cậu có thể tạo ra những nghi thức riêng cho bản thân.

Ví dụ, trước khi đi ngủ, cậu thực hiện chuỗi “nghi thức” 3 bước đánh răng – skincare – viết nhật ký. Hoặc, khi lo âu, cậu đi bộ hoặc đạp xe một vòng, theo một tuyến đường đã định sẵn. Một bài yoga hay thiền định cũng có thể tính là một dạng “nghi thức”, vì trong bài tập đó sẽ có những bước, những động tác cố định để ta làm theo.

Cá nhân tớ thường sử dụng “nghi thức” yoga khi muốn thoát khỏi cơn lo âu. Sau 30-60 phút chỉ tập trung thực hiện từng tư thế yoga theo hướng dẫn của giảng viên, những tiếng nói ồn ã trong đầu tớ gần như biến mất, và cảm giác lo âu cũng giảm mạnh luôn.

Yoga for Flexibility: 8 Poses for Your Back, Core, Hips, Shoulders


Kết luận

Những hoạt động mang tính nghi thức là một công cụ đơn giản mà hiệu quả để đưa ta thoát khỏi những lo lắng, những suy nghĩ miên man trong đầu.

Cậu có thể thử thiết kế và thực hiện “nghi thức” của riêng mình xem sao nhé!


(*) imperfect, impermanent, incomplete: ba tính chất của cuộc sống theo văn hoá/ chủ nghĩa Wabi Sabi (Nhật Bản)

(**) Sosis, R. and Handwerker, W.P. (2011), Psalms and Coping with Uncertainty: Religious Israeli Women’s Responses to the 2006 Lebanon War. American Anthropologist, 113: 40-55. https://doi.org/10.1111/j.1548-1433.2010.01305.x

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top