Dưới đây là 3 gạch đầu dòng dở khóc dở cười về ‘ATTENTION’ (sự tập trung) trong thế giới hiện đại, theo các nghiên cứu của nhà tâm lý học Gloria Mark, Đại học California, Irvine.
1. Khả năng tập trung giảm cực-mạnh trong 20 năm qua
Trung bình, một người sẽ dừng lại trên một màn hình (*):
Năm 2004: 2,5 phút
Năm 2012: 75 giây
Năm 2020 (trước đại dịch): 47 giây.
(*) “Màn hình” ở đây là giao diện điện tử mà mắt ta nhìn vào tại một thời điểm. Ví dụ: Cùng trên ứng dụng Instagram, 3 trang Home, Explore, Messages được tính là 3 màn hình khác nhau.*
⇒ Chúng ta hoàn toàn dự đoán được con số của hiện tại (sau đại dịch và sự lên ngôi của nội dung dạng video ngắn) sẽ còn thấp hơn nữa. Ở đây, Linh không chia sẻ số liệu năm 2024 từ những nghiên cứu khác, vì có thể không đồng nhất về phương thức đo lường.
Bên cạnh đó, độ dài trung bình của các cảnh quay trong phim ảnh cũng giảm dần qua thời gian, hiện tại là 4 giây/cảnh. Với những bom tấn hành động kiểu The Transformers, cảnh quay thậm chí thay đổi mỗi 2 giây luôn. Cậu thử mở một bộ phim và tắt tiếng, chỉ tập trung vào các đoạn chuyển cảnh mà xem.
Nhưng ở đây, người ta chưa nghiên cứu ra được: Vì khả năng tập trung của khán giả giảm, nên buộc các nhà làm phim phải giảm độ dài cảnh quay? Hay vì bản thân độ tập trung của các nhà làm phim giảm (họ cũng là người mà), nên họ giảm độ dài cảnh quay vì chính họ cảm thấy như vậy mới thú vị?
2. Cái giá của sự gián đoạn lớn hơn ta tưởng.
Ta thường nghĩ rằng mình đang làm một việc, tạm nhảy sang một việc khác, và sau đó quay trở lại công việc ban đầu.
Nhưng trong thực tế, thường ta sẽ tạm nhảy sang một việc khác, rồi tạm nhảy sang một việc khác nữa, rồi tạm nhảy sang một việc khác nữa nữa… rồi mới quay lại được việc ban đầu. Chẳng hạn, đang tập trung viết, ta thấy có noti tin nhắn ⇒ nhấc điện thoại lên trả lời tin nhắn ⇒ tiện mở Facebook ra lướt lướt ⇒ tiện mở Instagram ra lướt lướt… rồi mới quay lại viết.
Theo nghiên cứu của Gloria Mark, mỗi người mất khoảng 25 phút rưỡi để quay lại công việc ban đầu. Cho nên, “để mình check cái noti này một giây thôi” à? Không, việc đó không bao giờ chỉ ngốn một giây. Nó ngốn 25 phút rưỡi. ^^
3. Không ai làm mình mất tập trung à? Vậy tự phá đám bản thân thôi nào!
Chúng ta hay than thở về việc bị người khác làm phiền – sếp, bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng thực tế là, ta đã quen với việc bị làm phiền thường xuyên đến nỗi: nếu thế giới bên ngoài không làm phiền chúng ta, chúng ta sẽ tự làm phiền bản thân mình luôn.
Cậu đã bao giờ đang làm việc trên một tài liệu Word, thì tự dưng cảm thấy muốn mở email ra kiểm tra, hoặc nhấc điện thoại lên xem noti chưa? Những khoảnh khắc “tự mở email”, “tự nhấc điện thoại xem noti” đó được tính là những lúc ta tự làm phiền bản thân đấy.
Người ta đã đo và thấy: Khi số lượng gây xao lãng bên ngoài (external distractions) giảm xuống bao nhiêu, số lượng tự gây xao lãng (self-distractions) tăng lên bấy nhiêu.
Trên đây là vấn đề; gợi ý về giải pháp sẽ lên sóng trong thời gian sớm nhất. Đợi tớ chút nhé!