Trong cuộc đời, ta có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực nhiều hơn là những điều tích cực.
Nghĩ mà xem. Ta dành nhiều thời gian suy nghĩ về các mối quan hệ khó khăn (chia tay người yêu, sếp khó tính…) hơn hẳn thời gian suy nghĩ về những mối quan hệ tốt đẹp (cha mẹ yêu thương, bạn bè vui vẻ…). Ta quằn quại và khó chịu khi bị nghẹt mũi, nhưng khi cơ thể khoẻ mạnh, thì ta chẳng mảy may để ý và cảm thấy vui vẻ vì ta có thể thở bình thường.
Tất cả chúng ta đều nói rằng bản thân muốn hạnh phúc. Nhưng sao ta lại tập trung nhiều thời gian và năng lượng vào những điều không-hạnh-phúc đến thế?
Thực ra, thói quen này xuất phát từ quá trình tiến hoá của loài người. Các khía cạnh tiêu cực, các mối đe dọa trong thế giới xung quanh có thể làm ta “đăng xuất” ngay nếu ta không thận trọng và tránh xa, trong khi những khía cạnh tích cực thì không. Ví dụ: Nếu một người không để ý đến một con sư tử, họ có thể “bay màu” trong một nốt nhạc, nhưng nếu họ không để ý đến một chú bướm xinh, thì chẳng có gì xảy ra với mạng sống của họ hết.
Chúng ta hướng dẫn nhau về cách nhận diện và đối phó với khó khăn nhiều hơn là cách nhận diện và trải nghiệm hạnh phúc. Ba mẹ dạy trẻ con cách đứng dậy và xử lý vết thương khi bị ngã. Nhưng chả có phụ huynh nào dạy con cách tận hưởng một cái kem cả, bởi vì người ta cho rằng: khi ăn kem, chẳng cần dạy, đứa trẻ cũng sẽ biết cách ăn và cảm nhận. Nhưng mà, điều này có đúng không?
Thực ra tớ nghĩ: sống trong đời, chúng ta không chỉ cần học cách kiên cường, mà còn cần học cách tận hưởng nữa. Chúng nó là hai kỹ năng khác nhau.
Từ hôm nay, hãy thử nghĩ về những khía cạnh, trải nghiệm tích cực trong cuộc sống của cậu như một món ăn ngon xem nhé.
Khi ngồi trước một món ăn ngon, chúng ta làm gì? Chúng ta không bịt mũi và nuốt ực một cái như khi uống thuốc đắng phải không? Chúng ta sẽ tận hưởng nó. “Tận” là hoàn toàn, hết mức, đến tận cùng; “hưởng” là cảm nhận, mở các giác quan, mở tâm để đón nhận.
Tận hưởng cũng cần phải học, phải chủ động thực hành đấy.