Tài sản và căn tính của ta

Tin không mới số 1: “Our possessions are a major contributor to and reflection of our identities.”

 Tạm dịch: Những gì ta sở hữu góp phần xây dựng, và phản ánh căn tính của ta. (*)

Mối liên hệ giữa tài sản và căn tính là hai chiều. Ta sở hữu những món đồ thể hiện con người hiện tại của ta. Và ta đi mua những món đồ sẽ giúp ta trở thành con người mơ ước.

Nhưng không dễ để người ngoài nhìn ra được được mối liên hệ tài sản – căn tính đang đi theo chiều nào trong từng trường hợp.

Để ý mà xem.

Những người tin rằng bản thân là, hoặc muốn trở thành, người có gu thẩm mỹ (theo style truyền thống Việt Nam), khi xây nhà đều sẽ mua sập gụ tủ chè, nội thất rồng phượng.

Những người tin rằng bản thân là, hoặc muốn trở thành, người có hiểu biết sâu rộng, đều có cái Kindle, hoặc một tủ sách ở nhà.

Ở Việt Nam, những người tin rằng bản thân là, hoặc muốn trở thành, người giàu và hiện đại, đều có trong tay những sản phẩm Apple bản mới nhất.

Một người sở hữu món đồ đó là do bản thân họ là người như vậy, hay do họ đang cố gắng trở thành người như vậy? Đây là một câu hỏi khó, kể cả với bản thân người đang được nhắc tới.

Tin không mới số 2: Mỗi thứ ta sở hữu có độ liên quan đến căn tính khác nhau.

Tưởng tượng nhé: Giả sử cậu là fan Kpop/ Anime/ thể thao…, và cậu có một bộ sưu tập goods (tượng/ bo góc…) liên quan đến đam mê đó của cậu. Một ngày nọ, một đứa trẻ con nghịch ngợm làm hỏng bộ sưu tập đó của cậu. Hẳn cậu sẽ đau và tức giận hơn nhiều, so với nếu đứa trẻ đó làm hỏng bộ ga giường, hay cái ghế của cậu, nhỉ?

Vậy ta làm gì với đống thông tin về mối liên hệ tài sản – căn tính này?

James Clear (tác giả cuốn Atomic Habits đình đám) có một câu khá hay thế này: “Every action you take is a vote for the type of person you wish to become. No single instance will transform your beliefs, but as the votes build up, so does the evidence of your new identity.”

Nếu twist câu trên một chút, ta sẽ có: Mỗi món đồ ta quyết định mua sẽ là một phiếu bầu cho con người ta ước ao trở thành; càng nhiều phiếu bầu, căn tính lý tưởng của ta hiện ra càng rõ.

Diễn đạt theo cách khác:

Bước 1: Xác định căn tính lý tưởng. Trả lời câu hỏi: “Mình muốn trở thành người thế nào?”

Bước 2: Mua những thứ góp phần xây dựng căn tính lý tưởng đó; đồng thời, bớt mua những thứ không hỗ trợ căn tính lý tưởng.

Vì sao laptop thì tớ nhất định phải mua Macbook Air, nhưng điện thoại thì không thèm cập nhật chiếc iPhone 7 đã dùng 6 năm? Vì laptop là công cụ tớ viết, đọc, xem…, liên quan trực tiếp đến căn tính content creator/ lifelong learner của tớ. Vì việc sở hữu một chiếc Macbook Air – với độ mượt, nhẹ, “compact” của nó – góp phần xây dựng căn tính “minimalist” mà tớ đang hướng tới. Ngược lại, điện thoại với tớ chỉ là công cụ nhắn tin, nghe gọi, nên chừng nào thiết bị còn “functional” thì còn dùng; mẫu mã gì, đời máy nào, thực ra cũng chẳng quan trọng.

Cùng là đồ dùng công nghệ, nhưng laptop thì thuộc về căn tính của tớ, còn điện thoại thì không.

Kết lại với 3 câu hỏi để cậu mang về:

  • Cậu đang muốn trở thành một người thế nào?
  • Những món đồ, tài sản cậu đang sở hữu có phản ánh căn tính lý tưởng đó không?
  • Cậu có thể thêm, bớt những thứ cậu đang sở hữu thế nào để đưa bản thân tiến gần hơn đến căn tính lý tưởng đó?

Hết nha.

(*) Trích từ báo cáo Possessions and the Extended Self – Russell Belk’s (1988): https://academic.oup.com/jcr/article/15/2/139/1841428

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top