“Tại người ta chậm deadline nên em mới không làm xong việc!”
“Tại người ta không support nên em không làm được!”
“Tại người ta không chú ý nên mới không nắm thông tin!”
Từ hồi sinh hoạt câu lạc bộ ở trường đại học, cho đến lúc thực tập, rồi đi làm, tớ đã luôn dị ứng với thái độ đổ lỗi “tại người-ta…”. Lúc đó, tớ hay nghĩ: “Ừ có thể tại người-ta thật đấy, nhưng rồi giải pháp là gì?”.
Tổ chức tuyển mình để tạo giá trị, để làm việc, chứ đâu phải để giải thích lý do tại sao không làm được việc, phải không?
Trong bài viết hôm nay, tớ xin chia sẻ 3 cách tớ đã dùng để vượt qua chữ TẠI nhé. :’>
1. Tìm cách hiểu cho người-ta
Tớ không hỏi người-ta “TẠI SAO…?” (tại sao không làm được? tại sao chưa xong?…), vì cảm giác như hỏi cung vậy, đẩy người nghe vào thế đóng, thế phòng bị.
Thay vào đó, tớ wording câu nói thành: “EM CÓ THỂ HỖ TRỢ GÌ THÊM ĐỂ ANH/CHỊ HOÀN THÀNH ĐƯỢC VIỆC NÀY?”
Hỏi vậy, tớ đã nhiều lần ồ à ra: quy trình của team người-ta rất nhiêu khê; người-ta đang bị sếp dí một task khác; hay đơn giản, người-ta đang ngần ngại chưa dám làm chỉ vì thiếu một email xác nhận từ mình;…
Hiểu được cái khó của người-ta rồi, ta không chỉ tìm được giải pháp cho việc của mình, mà còn hỗ trợ để cuộc sống người-ta dễ thở hơn nữa. Một mũi tên trúng hai đích luôn!
2. Nghĩ giải pháp, kể cả khi mình không hiểu nổi người-ta bị sao
Sự thật thì, nhiều khi vấn đề xảy ra tại-người-ta thật: người-ta quản lý công việc không khoa học, người-ta không chú ý; người-ta không coi trọng công việc;…
Tuỳ trường hợp, ta có thể tìm đồng nghiệp/teammate khác thay thế, nhờ sếp ra mặt, hay nhanh nhất là hốt cái task đó luôn nếu thực sự deadline quá gấp rồi.
Luôn luôn có giải pháp cho tất cả mọi thứ mà. Nhiều khi ta sẽ ấm ức đấy, nhưng thần chú là: “Thôi, xong việc của mình là được.”
3. Tìm nguyên nhân cốt lõi (root cause) và giải pháp
Thường sau mỗi lần trục trặc trong phối hợp công việc, tớ sẽ ngồi ngắm xem root cause ở đâu, mình có thể làm gì để tránh vấn đề tái diễn không.
Nhiều khi là đề xuất tinh giản quy trình, nhiều khi là mình cần học thêm về nghiệp vụ của phòng ban người-ta, nhiều khi là style làm việc của mình và người-ta không hợp nên lần sau cố mà tránh ra…
Con đường là do mình chọn mà.
LỜI KẾT
Thực ra, để tìm được điểm cân bằng giữa “tất cả tại người-ta” và “tất cả tại mình” cần thời gian và trải nghiệm.
Trong khuôn khổ bài viết này, tớ chỉ muốn chia sẻ: đừng quá nghiêm khắc với bản thân, cũng đừng quá nghiêm khắc với người khác. Năng lượng đó mình dành để tìm giải pháp (tạm thời và lâu dài) đi, ha.