Theo cậu, thế nào là một người lắng nghe giỏi?
Họ không nói khi người khác đang nói?
Họ có thể lặp lại những gì người khác vừa kể?
Họ thể hiện cho người khác biết mình đang lắng nghe qua biểu cảm, qua việc gật đầu, qua những thanh âm xác nhận “ừm”, “à”?
Với tớ, 3 điều trên là biểu hiện của mức độ “lắng nghe tạm ổn”. Còn để “lắng nghe giỏi”, mình cần làm được nhiều hơn thế cơ.
1. Khi “lắng nghe tạm ổn”, ta giữ im lặng. Khi “lắng nghe giỏi”, ta đào sâu vấn đề.
Ngồi im lặng và gật đầu cũng có thể tạo cho người đối diện cảm giác ta đang lắng nghe đấy. Nhưng nếu ta có thể đặt ra những câu hỏi làm rõ vấn đề, thì người đối diện sẽ biết được ta không chỉ đang thực sự nghe họ, mà còn quan tâm đủ nhiều để muốn biết thêm thông tin.
Ví dụ, khi nghe được thông tin “Tự dưng sếp gọi tôi vào phòng, rồi nói là sếp không hề hài lòng khi tôi ấp úng như vậy trong buổi họp…”:
Ở mức “lắng nghe tạm ổn”, ta sẽ “ừm”, “à”.
Ở mức “lắng nghe giỏi”, ta sẽ đặt câu hỏi như: “Từ từ. Biểu cảm và giọng nói của sếp cậu lúc feedback như thế nào? Bình tĩnh, hay căng thẳng?”
Bên cạnh đó, để đào sâu vấn đề và thu thập được nhiều dữ kiện nhất về câu chuyện của người đối diện, ta cần quan sát ngôn ngữ cơ thể của người đó nữa – biểu cảm, nhịp thở, cử chỉ tay/chân, tư thế ngồi, tông giọng…
Tóm lại, với tớ, ở mức độ “lắng nghe giỏi”, ta sẽ “nghe” bằng nhiều giác quan: tai nghe câu từ, mắt quan sát ngôn ngữ hình thể, miệng đặt câu hỏi.
2. Khi “lắng nghe tạm ổn”, ta không đưa ra giải pháp. Khi “lắng nghe giỏi”, ta thu thập đủ dữ liệu (về vấn đề của người kia), rồi gợi ý giải pháp.
Người ta thường nói: khi lắng nghe chủ động, hãy ngồi im và nghe thôi, đừng đưa lời khuyên gì cả. Nhưng với tớ, vấn đề không nằm ở bản thân việc đưa giải pháp, mà nằm ở cách ta đưa ra giải pháp ấy.
Việc đưa giải pháp chỉ tệ khi ta vội vàng phán “bạn nên A”, “bạn nên B” khi chưa hiểu rõ câu chuyện của người đối diện. Còn khi ta đã thu thập đủ dữ kiện về vấn đề, khi người đối diện cảm thấy ta thực sự hiểu tình huống họ đang trải qua, thì ta hoàn toàn có thể gợi ý giải pháp mang tính tham khảo.
Dưới đây là một vài mẫu câu tớ hay dùng khi đưa giải pháp để làm người đối diện cảm thấy thoải mái nhất. Cậu có thể tham khảo nhé!
(Giả sử tớ đang muốn gợi ý giải pháp “nói chuyện với sếp”)
“Nếu tớ ở trong trường hợp này, tớ sẽ cân nhắc nói chuyện với sếp. Cậu thấy việc nói chuyện với sếp có phải một phương án khả thi không?”
“Cậu nghĩ sao nếu giờ cậu nói chuyện với sếp?”
“Cậu có muốn thử nói chuyện với sếp không?”
“Nếu giờ cậu nói chuyện với sếp, cậu nghĩ vấn đề này sẽ được giải quyết bao nhiêu phần trăm?”
3. “Lắng nghe tạm ổn” hay “lắng nghe giỏi” là hai mức độ của kỹ năng lắng nghe. Ta CHỌN khi nào sử dụng mức độ nào.
Với tớ, lắng nghe có thể được ví von với chạy bộ; trong đó, “lắng nghe tạm ổn” giống như chạy 2km, còn “lắng nghe giỏi” giống như chạy 10km.
Kể cả cậu đã luyện thành thục KHẢ NĂNG chạy 10km rồi, cũng không có nghĩa là ở bất kỳ thời điểm nào, kêu cậu đứng dậy chạy 10km, cậu cũng chạy được ngay, phải không?
Tương tự, kể cả cậu đã luyện được KHẢ NĂNG “lắng nghe giỏi”, cũng không có nghĩa là ở bất kỳ thời điểm nào, kêu cậu tập trung lắng nghe sâu cũng được. Những lúc cậu đang bận rộn, đang cạn pin, làm sao yêu cầu cậu “tai nghe câu từ, mắt quan sát ngôn ngữ hình thể, miệng đặt câu hỏi” được!
Thú thực, bản thân tớ không phải lúc nào cũng đủ năng lượng để thực hành mức độ “lắng nghe giỏi”. Đôi khi, tớ chọn áp dụng mức độ “lắng nghe tạm ổn”. Đôi khi, tớ chia sẻ thành thực với người kia rằng hiện tại tớ cạn pin rồi, và nhờ họ nhắn một loạt tin nhắn về tình huống của họ, rồi tớ sẽ quay lại vào ngày hôm sau để thực sự tiếp nhận thông tin một cách tốt nhất.
Suy cho cùng thì, đốt toàn bộ năng lượng để lắng nghe TẤT CẢ mọi người không bao giờ là một ý hay. Kể cả cậu rất muốn trở thành một người lắng nghe giỏi đi nữa, thì cũng nhớ chọn những thời điểm phù hợp, dành năng lượng cho những người phù hợp, nhé.