Sống trên đời, có nhất thiết phải fit in?

1.

Mọi chuyện bắt đầu vào một buổi chiều nọ. Khi ba mẹ tớ đang nấu cơm tối, em gái tớ (lúc đó học tiểu học) nhấn chuông cửa, và bắt chước cô thu tiền điện, gọi “Chị Oanh ơi…”.

Trò đùa đó lặp lại vài lần nữa, rồi dần dà, tớ và em gái thành ra quen gọi ba mẹ là “anh”/ “chị”, xưng “con”: “Tí nữa anh Chương ra sân bay đón con đúng không ạ?”; “Chị Oanh hỏi hộ con cái này“; “Hai anh chị đang làm gì thế?”…

Ba tớ là một chuyên gia về văn hoá gia đình. Một lần, trong lúc giảng bài, ba tớ đã lấy luôn ví dụ trên để đặt chủ đề thảo luận cho học viên: “Gia đình tôi xưng hô “lệch chuẩn” như vậy. Và cả nhà đều vui vẻ, thoải mái với cách xưng hô đó. Vậy đây có coi là vi phạm nguyên tắc xưng hô trong văn hoá gia đình hay không?”

2.

Tớ sinh ra và sống ở miền Bắc 21 năm. Nên từ bé tớ đã được dạy là trước bữa ăn, mình phải mời cơm người lớn tuổi để thể hiện sự kính trọng, mà phải mời theo đúng vai vế nha, chứ “mời cả nhà ăn cơm” là hỗn.

Ví dụ: Nếu cùng ngồi ăn với mình có nhiều họ hàng chẳng hạn, chí ít, cậu sẽ cần mời như sau: “Cháu mời ông bà ăn cơm. Cháu mời các bác ăn cơm. Con mời ba mẹ ăn cơm. Cháu mời các cô chú ăn cơm. Em mời các anh chị ăn cơm.” Đúng đó, đọc xong bài rap trên thì mới được đụng đũa nhé. Nếu cậu (từng) sống ở miền Bắc, thì cũng chẳng lạ gì nét văn hoá này.

Chẳng thế mà, lúc mới Nam tiến, tớ đã ngạc nhiên vì thấy mọi người, khi đến bữa ăn thì… cứ ăn thôi, không có tiết mục chào mời nào cả, kể cả trên bàn ăn có người lớn hơn hay không. Lịch sự lắm thì “Em mời mọi người ăn cơm ạ”.

3.

Có thể cậu đã biết: Người Hàn Quốc có văn hoá vai vế cực lớn, lớn hơn người Việt Nam nhiều. Một nét văn hoá của người Hàn là khi gặp người lớn hơn, họ sẽ cần gập người chào, và lưu ý là: cái gập lưng chưa đủ 90 độ có thể bị coi là chưa chân thành luôn nhé.

Nhưng người Việt mình thì không vậy. Mình gật nhẹ đầu và nói “Cháu chào bác”, “Em chào chị”… Thử sáng mai đi làm, cậu chào sếp (không-phải-người-Hàn) của cậu bằng cách gập người 90 độ xem, sếp có nhìn cậu như người ngoài hành tinh không.

Vậy thì chào thế nào là đúng, thế nào là sai?

“TRẬT TỰ TƯỞNG TƯỢNG” LÀ GÌ?

Nếu cậu từng đọc Sapiens: Lược Sử Loài Người (Yuval Harari), chắc cậu vẫn nhớ thuật ngữ “imagined orders” (trật tự tưởng tượng), đúng không?

Harari cho rằng: khoảng 70.000 năm trước, Homo sapiens (tổ tiên của người hiện đại) đã phát triển một khả năng độc đáo là tưởng tượng, và tin vào những điều không có thật – bao gồm các thần thoại, câu chuyện, truyền thuyết, tôn giáo, các hệ tư tưởng và nhiều hơn thế nữa. Ông gọi chúng là “imagined orders” (“trật tự tưởng tượng”).

Hầu hết các loài động vật chỉ có thể hình thành các quần thể nhỏ (với cùng lắm vài trăm cá thể), vì một con vật chỉ có thể biết và tin tưởng một số lượng hạn chế các con vật khác, dù cùng loài.

“Imagined orders”, theo Harari, cho phép số lượng lớn các cá thể loài người tin tưởng vào nhau trên diện rộng, vì họ cùng tin vào những ý tưởng chung, những quy tắc chung, ngay cả khi ta không quen biết nhau. Niềm tin này cho phép con người hợp tác với những cá thể lạ trên một quy mô tầm cỡ, chưa từng thấy trong lịch sử.

Ví dụ, một trong những lý do vì sao nền kinh tế hiện đại vận hành, là do ít nhất 8 tỷ người đang tin vào một khái niệm gọi là USD, hoặc, đang đồng thuận với nhau rằng kim loại vàng có giá trị, chứ không phải vỏ sò.

Nói ngắn gọn, thứ đã đưa loài người lên đỉnh của chuỗi thức ăn là khả năng cùng tin và tuân theo những điều hư cấu do chính loài người vẽ ra.

TÓM LẠI…?

Điều tớ muốn chia sẻ ở đây KHÔNG phải là: vì mọi quy tắc đều là “trật tự tưởng tượng”, nên ta muốn làm gì thì làm. KHÔNG nhé!

Loài người là sinh vật xã hội (social creatures). Nếu ta chối bỏ mọi quy tắc chung (dù là “tưởng tượng”), chính ta sẽ là người “ăn đủ” đầu tiên khi tự tách biệt khỏi chính giống loài của mình. Rộng hơn, nếu cả xã hội cứ ai thích làm gì thì làm, loài người sẽ đi đến cái kết sớm mất, phải không?

Vậy nếu không “một mình một kiểu”, ta có thể làm gì?

Thứ nhất, cậu có thể hành động một cách khôn khéo, tuỳ vào cậu đang ở giữa nhóm người nào. Ví dụ, trên bàn cơm miền Bắc thì làm theo bộ quy tắc (tưởng tượng) của người miền Bắc; trên bàn cơm miền Nam thì làm theo bộ quy tắc (tưởng tượng) của người miền Nam.

Thứ hai, nếu có thấy ai đó không “fit in”, ta không đánh giá họ là thiếu văn hoá, mà ta hiểu rằng họ chưa biết về đống luật lệ do nhóm của mình tưởng tượng ra thôi. Nếu thấy cần thiết, cậu có thể phổ cập bộ quy tắc của nhóm cho họ.

Xét theo góc độ “làm gì có lợi nhất cho mình” thì, có vẻ như đáp án là: fit in ở một mức độ nào đó, hay nói văn vẻ là “hoà nhập nhưng không hoà tan”, phải không ta?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top