“Social fitness” là gì, và làm sao để cải thiện nó?

Khái niệm SOCIAL FITNESS

Hẳn cậu đã không còn xa lạ gì với từ “fitness” nhỉ? Nhắc đến fitness, ta nghĩ đến sức khoẻ thể chất (physical fitness), đến việc tập luyện đều đặn, đến những phòng gym, những lớp yoga, những cung đường đạp xe, chạy bộ…

Social fitness” là một khái niệm được đưa ra từ nhóm tác giả của The Harvard Study of Adult Development – nghiên cứu khoa học dài nhất về hạnh phúc từ trước đến nay (nghiên cứu bắt đầu vào năm 1938, đến nay vẫn tiếp tục). Theo nghiên cứu này, đời sống xã hội của chúng ta là một “thực thể sống”. Muốn giữ social fitness thì ta phải tập luyện.

Nếu cậu từng đọc 7 Habits For Highly Effective People (Stephen R. Covey), hẳn cậu vẫn nhớ một ý tưởng tương tự: “Emotional bank account – tài khoản tình cảm”. Trong một mối quan hệ, mỗi lần ta làm điều gì tốt cho đối phương, tài khoản sẽ tăng lên; mỗi lần ta làm gì sai, tài khoản sẽ giảm đi. Còn tài khoản mà để lâu quá không đụng vào, thì tiền mất giá, rồi trừ phí quản lý tài khoản, giá trị tài khoản sẽ giảm dần, giảm dần, tiến về 0. Phải có sự đầu tư liên tục thì tài khoản mới không bị cạn.

“Giống như physical fitness, social fitness không phải điều chúng ta có thể coi là hiển nhiên. Chúng ta cần dành thời gian và tâm trí để xây dựng và duy trì mối quan hệ của mình với những người khác.”

Tiến sĩ Marc Schulz – Phó Giám đốc Nghiên cứu The Harvard Study of Adult Development.

Làm thế nào để gìn giữ và nâng cao social fitness?

Nghiên cứu trên đưa ra 3 hướng dẫn cho những người muốn nâng cao social fitness như sau.

1. Không có công thức chuẩn nào cho số lượng – chất lượng các mối quan hệ. Ta có thể có 2-3 mối quan hệ thân thiết, hay cả trăm mối quan hệ xã giao, miễn ta cảm thấy phù hợp và hạnh phúc là được.

2. Không cần phải là người hướng ngoại mới có social fitness cao. Người hướng nội có thể tương tác sâu với một số lượng nhỏ người có cùng mối quan tâm, trong những môi trường bớt xô bồ hơn: hội mọt sách, hội từ thiện…

3. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu xây dựng các mối quan hệ. Một người đàn ông 68 tuổi tham gia nghiên cứu đã nói rằng ổng cảm thấy rất cô độc sau khi nghỉ hưu. Sau đó, ổng được gợi ý tham gia một hội tập thể dục tại địa phương. Ba tháng sau, ổng có nhiều bạn bè chất lượng hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong đời.

Vậy bài học là gì?

Không thiếu nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: khi ta có các mối quan hệ khoẻ mạnh, thì ta sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc hơn cả khi ta giàu có, có IQ cao, hay sống trong tầng lớp thượng lưu.

Mà các mối quan hệ không tự khoẻ được. Ta cần tưới tẩm, đầu tư thời gian cho chúng, thì chúng mới khoẻ được.

Đọc xong bài này, có ai đó quan trọng mà cậu muốn liên lạc ngay không?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top