Để suy nghĩ thông suốt hơn | Phần 2: Ruồi đậu trên tường

Cuộc sống này vốn bất toàn, vô thường và dang dở (*). Nhiều khi, chúng ta bị choáng ngợp bởi những lo lắng, những tình huống dở khóc dở cười. Vậy, có những thủ thuật nào để ta điều hoà cảm xúc tốt hơn, nhìn nhận vấn đề sáng suốt hơn những lúc như vậy?

Trong chuỗi 4 bài viết (xem tất cả TẠI ĐÂY), mình cùng tham khảo một vài phương pháp giúp bản thân bình tâm hơn nhé!

4 phương pháp này được đúc kết từ các nghiên cứu của Ethan Kross – một nhà tâm lý học thực nghiệm, nhà khoa học thần kinh và nhà văn người Mỹ, chuyên về điều hòa cảm xúc. Kross hiện cũng là giáo sư tâm lý học và quản lý, đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm Cảm xúc & Kiểm soát Bản thân, tại Đại học Michigan, Mỹ.


PHƯƠNG PHÁP 2: RUỒI ĐẬU TRÊN TƯỜNG

Tưởng tượng cậu đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế, với máy quay ở khắp nơi nào.

Khi chúng ta nghĩ về những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, hoặc dự đoán những điều tiêu cực trong tương lai, thường trong đầu ta sẽ hiện lên những hình ảnh liên quan, giống như một tập trong chương trình truyền hình thực tế.

Và cũng giống như một chương trình truyền hình thực tế, dùng góc máy nào, cắt xén ra sao sẽ quyết định câu chuyện được kể theo chiều hướng nào, vui vẻ nhẹ nhàng, hay đậm drama đổi trắng thay đen.

Cậu có thể tua lại cảnh tượng đó trong tâm trí theo góc máy thứ nhất (tức cậu là người trải nghiệm).

Hoặc cậu cũng có thể suy nghĩ về trải nghiệm đó, nhưng từ góc máy thứ ba, giống như một con ruồi đậu trên tường đang quan sát toàn bộ khung cảnh. Cậu không chỉ thấy suy nghĩ, cảm xúc, động cơ của riêng cậu, mà còn nhìn được suy nghĩ, cảm xúc, động cơ của những người liên quan, nhìn được vấn đề thực sự nghiêm trọng đến độ nào, ảnh hưởng đến những ai.

Nghiên cứu (**) cho thấy rằng khi ta áp dụng góc máy thứ ba, hay còn gọi là góc nhìn của của con ruồi đậu trên tường, ta sẽ trải qua mức độ cảm xúc ổn định hơn, và ít hành động bột phát hơn.


Cá nhân tớ chưa từng sử dụng phương pháp này trước đây, nên chưa có gì để review thêm về trải nghiệm. Nhưng lần tới, khi cần suy ngẫm về một tình huống nào đó, mình cùng thử đổi góc máy quay qua con ruồi đậu trên trường, rồi xem mọi thứ diễn ra như nào nha.


(*) imperfect, impermanent, incomplete: ba tính chất của cuộc sống theo văn hoá/ chủ nghĩa Wabi Sabi (Nhật Bản)

(**) Mischkowski, D., Kross, E., & Bushman, B. J. (2012). Flies on the wall are less aggressive: Self-distancing “in the heat of the moment” reduces aggressive thoughts, angry feelings and aggressive behavior. Journal of Experimental Social Psychology, 48(5), 1187–1191. https://doi.org/10.1016/j.jesp.2012.03.012

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top