(*) Từ “nhờ vả” trong bài này chỉ chung việc khiến người khác làm việc gì đó theo ý mình: nhờ giúp đỡ, giao nhiệm vụ, thương lượng, gây ảnh hưởng…
RÕ
Nếu giờ này cậu dùng ChatGPT mà thấy 90% thời gian nó nhả ra những câu trả lời “ngoo ngok”, chả đúng ý mình, thì tớ mạn dạn đoán vấn đề không phải ChatGPT phế đâu, mà là prompt – yêu cầu, lời “nhờ vả” mình gửi cho nó – chưa đủ RÕ đó.
Thực ra, nhờ vả ChatGPT hay nhờ vả con người thì đều cần chữ RÕ. Câu hỏi, vấn đề cậu đưa ra càng chung chung, thì càng khó để bên kia hiểu chính xác cậu đang cần điều gì, muốn được giúp đỡ thế nào, và khả năng họ đưa ra được cho chúng ta giải pháp hữu ích cũng vì thế mà giảm đáng kể.
Giả sử, cậu cần cầu cứu đồng nghiệp. Nếu cậu nhờ vả bằng một câu chung chung kiểu “Em cần làm report này, nhưng em KHÔNG BIẾT LÀM THẾ NÀO cả,” đồng nghiệp sẽ khó hình dung được là họ nên hỗ trợ từ đâu.
Nếu họ đang rảnh, họ có thể dành thời gian hỏi lại cậu vài câu để định hình được chính xác cậu đang mắc chỗ nào. Còn nếu chính họ cũng đang đắm chìm trong đủ thể loại deadline, họ sẽ quẳng cho cậu một tài liệu gì đó nhanh nhanh mà họ nghĩ tới đầu tiên – một tài liệu mà chưa chắc đã giải quyết được vấn đề của cậu.
Vậy cầu cứu thế nào mới đủ RÕ? Dưới đây là một vài gợi ý đặt câu cầu cứu để người nghe biết họ phải cứu mình thế nào nè:
- “Em cần làm report này, nhưng CHƯA CÓ TEMPLATE. Anh có thể gửi em một vài mẫu report tương tự để em tham khảo được không?”
- “Em cần làm report này, nhưng KHÔNG BIẾT QUY TRÌNH ĐỂ TẠO ĐƯỢC FILE REPORT GỒM NHỮNG BƯỚC NÀO. Anh có thể chia sẻ với em về các bước được không?”
- “Em cần làm report này, nhưng KHÔNG BIẾT LẤY DATA Ở ĐÂU. Em có thể liên hệ ai hay mở hệ thống nào để có data ạ?”
…
Cùng là “không biết làm thế nào”, nhưng không biết kiểu “chưa có template” khác với không biết “các bước trong quy trình tạo report”, càng khác với “không biết lấy data ở đâu”. Và câu trả lời cho mỗi kiểu “không biết” cũng khác nhau.
Ta đặt vấn đề, nêu câu hỏi càng RÕ thì càng dễ nhận được câu trả lời mình đang tìm kiếm đấy.
RÕ KHÉO
Tớ đoán nhé: Với độc giả của Born To Roar 777, hẳn tớ không cần lê thê về tầm quan trọng của sự “KHÉO léo” khi làm việc với con người nữa, nhỉ? Vậy thì, tập trung vào chủ đề của bài viết này, tớ sẽ đưa thẳng một ví dụ để cậu dễ hình dung công thức RÕ KHÉO khi áp dụng trong nhờ vả thực tế.
Vấn đề: Đồng nghiệp gửi link tài liệu nhưng cậu không mở được, cậu muốn đồng nghiệp đó kiểm tra lại link.
- Lời nhờ vả ❌ không RÕ và ❌ không KHÉO: “Bạn ơi, bạn gửi tớ link lỗi rồi.”
- Lời nhờ vả ✅ RÕ nhưng ❌ không KHÉO: “Bạn ơi, bạn gửi tớ link lỗi rồi. Cụ thể là khi tớ nhấn vào, hệ thống hiện thông báo “Bạn không có quyền truy cập”.” (+gửi kèm ảnh chụp màn hình báo lỗi)
- Lời nhờ vả ❌ không RÕ nhưng ✅ KHÉO: “Bạn ơi, vì một lý do nào đó, link bị lỗi rồi”.
- Lời nhờ vả ✅ RÕ và ✅ KHÉO: “Bạn ơi, vì một lý do nào đó, link khi ấn vào hiện thông báo “Bạn không có quyền truy cập”. Bạn giúp tớ kiểm tra lại nhé!” (+gửi kèm ảnh chụp màn hình báo lỗi)
Cậu có cảm nhận được sự khác biệt của 4 phiên bản nhờ vả trên không?
Kết luận
Đối với viêc nhờ vả khi đi làm, cá nhân tớ cho rằng “tiểu tiết làm nên anh hùng”. Một vài thay đổi trong câu từ thôi cũng có thể quyết định vấn đề của ta được giải quyết nhanh đến đâu, và đồng nghiệp có cảm thấy thoải mái khi ta nhờ vả (những lần tiếp theo) hay không.
Chốt lại, công thức của ngày hôm nay là RÕ KHÉO – muốn nhờ vả thành công, hãy nêu vấn đề rõ ràng và khéo léo.