PHẦN 1
“Từ bé đến lớn, chúng ta được giáo dục để tìm ra được một cái gọi là ‘right answer’. Cùng một vấn đề đấy, mình không được hướng dẫn là có những cách khác, (và việc của mình là) chọn cách nào cho phù hợp…”
– An Nguy –
1.
Thời học chuyên Anh, mỗi lần thi tự luận mà tớ “dám” trả lời không theo khuôn mẫu, thì dù câu trả lời có đúng (theo logic bình thường), tớ vẫn phải hồi hộp đợi xem câu đó có được chấp nhận trong cái gọi là “đáp án mở rộng” không.
Một điểm nữa mà tớ đã luôn thắc mắc là những câu hỏi trắc nghiệm dạng hội thoại. Nếu người ta hỏi “Bạn đang làm gì thế?”, vì sao phải trả lời “Tôi đang làm việc”? Vì sao chọn đáp án “Tôi mệt lắm, bạn đi chỗ khác đi” là sai?
Vì sao phải chạy theo những right answer bó hẹp trong một hệ nhị phân, trong khi cái tớ học – ngôn ngữ – là một thực thể sống và chuyển động?
2.
24 năm du hành đến trái đất, những gì tớ giỏi, và những gì tớ tự nguyện chọn làm ở từng thời điểm đều khớp với kỳ vọng xã hội của thời kỳ đó một cách kỳ lạ. (chi tiết tại bài viết Phía Bên Kia Peer Pressure)
Nhiều lúc, tớ tự hỏi: Có thực sự mình đưa ra những quyết định đó vì mình muốn vậy không? Hay vì mình tự áp lực bản thân phải liên tục là người dẫn đầu, phải là người đạt được “right answer” trong mắt mọi người?
24 tuổi, tớ đang chọn “sống như ý”, tự vạch ra mình cần tập trung cho điều gì, cần từ bỏ điều gì. Nhưng khi đứng trước một lựa chọn cụ thể, tớ vẫn cảm thấy một sức nặng vô hình của việc “phải làm tốt”, “phải dẫn đầu”, “phải làm đúng”.
Thực ra, bản thân cái suy nghĩ “phải làm tốt” là cần thiết để ta sống và lớn một cách bền bỉ. Nhưng tớ cũng sợ áp lực đó khiến tớ ép bản thân chạy theo “right answer” do xã hội đưa ra, bỏ lỡ chiếc “right answer” cho chính bản thân mình.
3.
Trong tiểu thuyết Tuesdays with Morrie có một câu thế này: “The culture we have does not make people feel good about themselves. And you have to be strong enough to say: if the culture doesn’t work, don’t buy it.”
”Sống như ý” không hề dễ. ”Sống như ý” đòi hỏi ta phải cực kỳ mạnh mẽ.
Đủ mạnh mẽ để sử dụng “right answer” xã hội đưa ra thuần tuý như một thông tin tham khảo.
Đủ mạnh mẽ để dứt khỏi thôi thúc áp đặt kỳ vọng xã hội lên bản thân.
Và đủ mạnh mẽ để tìm ra “right answer” cho bài toán của chính mình.
PHẦN 2
1.
Gần đây tớ tình cờ đọc được một confession trên Facebook: Một bạn, gia đình không khá giả, nhưng bố mẹ nghe lời hàng xóm nên bắt bạn theo học trường quốc tế (học phí rất cao), và bắt phải học ngành kinh tế, vì hàng xóm nói học kinh tế ra trường sẽ giàu.
Xung đột sẽ không quá lớn nếu bạn này giỏi creative, dù đã năn nỉ thuyết phục nhưng bố mẹ không đồng ý để bạn chuyển ngành. Thậm chí, bố mẹ liên tục nhấn mạnh rằng bạn phải học kinh tế, để sau này kiếm nhiều tiền trả nợ bố mẹ. Điều này làm bạn tổn thương nhiều, cảm thấy bố mẹ chỉ coi mình như công cụ cung cấp quỹ hưu trí.
Khi bạn nói bạn có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm và muốn đi khám bác sĩ, bố mẹ bạn gạt đi, nhấn mạnh việc bạn đã “tiêu tốn” của gia đình bao nhiêu tiền, sao lại muốn “tốn tiền vào những thứ linh tinh”. “Có thiếu gì đâu mà bị trầm cảm?”
2.
Một điều mà nhiều người trong chúng ta nhầm tưởng: Vì X là right answer trong bài toán của chúng ta, nên X cũng phải là right answer trong bài toán của người khác.
🤌 Vì thời của cha mẹ làm vậy là đúng, nên thời con cái cần làm vậy mới là đúng.
🤌 Ta sống trong xã hội hiện đại nhanh mạnh như vậy, nên bố mẹ/ ông bà chúng ta cũng phải sống nhanh mạnh như chúng ta thì mới bắt kịp với thời đại.
🤌 Vì nghề nghiệp của chúng ta giờ giấc như vậy là tối ưu, nên nghề nghiệp của vợ/chồng chúng ta giờ giấc cũng cần như vậy.
🤌 Vì thời xưa của sếp làm vậy là hiệu quả, nên thời nhân viên nay cũng cần làm vậy mới hiệu quả.
🤌 Vì phòng ban của chúng ta áp dụng thành công quy trình như vậy, nên phòng ban của người ta cũng cần hoạt động theo quy trình như vậy.
🤌 Ta từng nằm trong hoàn cảnh kiểu kiểu vậy, nên ta khuyên người ta phải làm giống như chúng ta.
Không. Chúng ta quên là cuộc sống của mỗi cá nhân là một bài toán với quá nhiều biến số – gia đình, tuổi thơ, ngành nghề, trải nghiệm, thời đại… Và cái mà chúng ta có thể làm chỉ là đưa ra một đáp án tham khảo thôi. Ta không có quyền áp đặt right answer của chúng ta lên người khác, và coi đó là chân lý.
3.
Quay lại câu chuyện ở đầu phần 2.
Thời cha mẹ (hay thời bác hàng xóm), học kinh tế kiếm nhiều tiền. Nhưng trong nền kinh tế hiện đại, ngành sáng tạo đang được dự đoán sẽ xâm chiếm thế giới trong thập kỷ tiếp theo. Chưa kể, bắt con học ngành không phải thế mạnh lại càng lợi bất cập hại.
Thời cha mẹ, thứ gọi là “sức khoẻ tinh thần” không tồn tại (chưa được đặt tên thì đúng hơn). Nhưng thời hiện đại, khi khoa học – y tế phát triển, sức khoẻ tinh thần được quan tâm nhiều hơn, và cuộc sống đủ đầy không có nghĩa là sẽ không bị trầm cảm.
Ta nghĩ ta đang làm điều ĐÚNG ĐẮN nhất cho con cái, nhưng cái đúng đó nhiều khi chỉ đúng ở thời xưa mà thôi, chắc gì đã đúng cho thời nay? Ngược lại, nhiều khi ta nghĩ ta đang làm điều ĐÚNG ĐẮN nhất cho cha mẹ, nhưng cái đúng đó nhiều khi chỉ phù hợp với hệ giá trị của ta mà thôi, chắc gì đã hợp với hệ giá trị của các cụ?
Trong phim Everything Everywhere All At Once có một đoạn hội thoại thế này:
👩 Người mẹ: “I only do the right things for you!”
👱♀️ Người con: “RIGHT is a tiny box invented by people who are afraid, and I know what it feels like to be trapped inside that box.”
Có những đáp án chỉ đúng trong bài toán của chúng ta, chứ không đúng trong bài toán của người khác.
Đương nhiên, không ai biết hết mọi thứ. Vậy thì, cái mà ta có thể chủ động làm là (1) chấp nhận bản thân chúng ta có những điểm mù tư duy, kiến thức, và (2) mở lòng ra với những thông tin, quan điểm, cách làm khác biệt.
Right answer, nếu dùng đúng, sẽ trở thành một nguồn dữ liệu tham khảo xuất sắc; nếu dùng sai, sẽ trở thành cơn ác mộng cho cả ta và người.
———————
P.s. Tớ viết bài này ở thời điểm em gái tớ chuẩn bị vào Sài Gòn học đại học. Và tớ muốn nhắc nhở bản thân rằng right answer của tớ chỉ nên là một nguồn thông tin tham khảo, chứ không nhất thiết là right answer trong bài toán của nó.