Phía bên kia Peer Pressure

Có bao giờ mọi người tò mò về câu chuyện của những đứa tạo-ra-peer-pressure không? Mấy đứa “con nhà người ta”, cả ngày productive vừa làm, vừa học, vừa hoạt động ngoại khoá, mà lúc nào chúng nó cũng có vẻ biết rõ bước tiếp theo trong lộ trình phát triển bản thân là gì ấy?

Tò mò thì mời pha ly trà, ngồi xuống. Tớ kể cho nghe nè.

*Cơ sở nào để tớ đưa ra góc nhìn của một đứa con-nhà-người-ta? Cậu có thể nghía qua background của tớ TẠI ĐÂY nè.

1.

Từ nhỏ đến giờ, tớ chưa từng bị so sánh với con-nhà-người-ta. Chính tớ là đứa con-nhà-người-ta trong câu chuyện của những gia đình xung quanh mất rồi. Và tớ để ý một sự trùng hợp: những gì tớ giỏi đều chính là những điều xã hội đặt nặng ở từng thời kỳ.

Cái thời mà giá trị một đứa trẻ được đánh giá qua khả năng học Toán-Văn: tớ đạt nhiều giải học sinh giỏi Toán-Văn thành phố, quốc gia nhớ không xuế.

Cái thời mà người người nhà nhà đổ xô đi học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh: tớ vừa hay đỗ vào lớp chuyên Anh trong trường chuyên duy nhất của thành phố, lại đứng đầu lớp về môn tiếng Anh, rồi cuối cùng là đứng đầu toàn quốc trong kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh năm ấy.

Cái thời mà “được học bổng đại học” bắt đầu trở thành một điều đáng để lên báo và được mời đi chia sẻ tại các diễn đàn: tớ được học bổng toàn phần trường đại học quốc tế.

Cái thời mà giới trẻ sốt sắng tìm kiếm cơ hội sự nghiệp fast-track qua đường Management Trainee: tớ đỗ vào chương trình Management Trainee ở một công ty MNC có tiếng, vừa tốt nghiệp thành công.

Giờ nhìn lại: kỳ vọng xã hội có vẻ giống như fast fashion, có trend vào, trend ra nhỉ? Thế thì nếu dành toàn thời gian để chạy theo kỳ vọng xã hội, mà ta biết chắc vài năm nữa lại thay đổi, có đáng không?

2.

Ngày xưa, tớ không thích (nếu không muốn nói là cực-kỳ-ghét) khi người khác nói “bạn GIỎI thế”. Với tớ, câu đó như muốn nói “tất cả là do tớ may mắn sinh ra với tài năng như vậy, chỉ cần nhấc ngón tay là đạt được thành tích kia rồi”.

Tớ được giải Nhất Quốc gia. Nhưng tớ cũng đã breakdown ngay trước ngày thi, ôm gối khóc bần bật trên giường, vì sợ mình sẽ không làm tốt, vì sợ mình sẽ không đạt được mục tiêu.

Tớ được học bổng toàn phần đại học. Nhưng tớ cũng đã ngủ 2-3 tiếng/ngày, hệ miễn dịch suy giảm đến nỗi cứ đều đặn mỗi tháng ốm một lần, ở tuổi 18.

Tớ là Chủ tịch CLB nhảy ở trường đại học, đưa CLB đi thi giành giải này, làm dự án quay MV kia. Nhưng tớ cũng trải qua những sự “tiền đình” khi dẫn dắt đội nhóm, thậm chí có lần cãi nhau suýt không nhìn mặt với một người anh vốn thân thiết.

Thực ra, so với “bạn GIỎI thế”, câu tớ muốn nghe hơn là “bạn VẤT VẢ rồi”.

Tớ biết những người bạn con-nhà-người-ta, và tớ biết đằng sau những thành tích của họ là bao nhiêu đau đầu không dám kể cùng ai, vì “mày như thế rồi còn kêu cái gì”.

Ừ, đã có những thời điểm, tớ không dám hé nửa lời về những thành tích nhỏ to tớ đạt được, vui cũng không dám kể cùng ai, chỉ vì tớ sợ tạo peer pressure cho bạn bè.

3.

Nói thật, tớ cũng không chắc kể chuyện thế này thì add value cho cậu như thế nào? Mà liệu có add được miếng value nào không? Nhưng sau cùng, tớ hy vọng câu chuyện của tớ tiết lộ một góc của bức tranh về peer pressure mà thường ít ai nhắc đến.

Đằng sau những hào nhoáng là rất nhiều sự vất vả. Ai cũng có những câu chuyện riêng của mình.

Sau cùng, hoa mười giờ nở buổi sáng, nhưng hoa nhài phải đêm mới toả hương. Timeline của mọi người không giống nhau, vẻ đẹp của mỗi người cũng không giống nhau. Mình cứ đi đường của mình, vui cho người khác khi họ thành công, nhỉ?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top