(Về cách tận dụng / lợi dụng phần “phi lý trí” để bắt bản thân làm điều… bản thân muốn)
1.
Tớ rất thích tựa đề một cuốn sách của Dan Ariely: “Predictably Irrational” – “Phi lý trí một cách có-thể-đoán-trước”. Bản thân tựa sách này chỉ ra hai khía cạnh về chúng ta:
- Con người (nhiều khi) hành động phi lý trí – ta nghĩ A nhưng làm B, ta làm B nhưng không biết vì sao bản thân làm B;
- Nhưng sự phi lý trí đó lại diễn ra theo những pattern nhất định, có-thể-đoán-trước.
Có quan điểm cho rằng ta cần kìm hãm, đè nén khía cạnh “phi lý trí” của bản thân. Nhưng cá nhân tớ có nghĩ thế này:
🤔 Phần “phi lý trí”, hay khía cạnh vô thức của bản thân, là những chức năng đã được tôi rèn qua hàng triệu năm tiến hoá để giúp ta sinh tồn. Vậy, thay vì cố lấy lý trí át đi “phi lý trí”, sao ta không “outsmart” nó? Tức là: tận dụng chính phần phi lý trí để bắt bản thân làm điều… bản thân muốn, một cách hiệu quả?
2.
Nếu ta coi phần phi lý trí trong mình như một đứa trẻ con, thì việc “outsmart” nó đơn giản là nịnh nó, nương theo nó, để “lừa” nó làm đúng ý mình.
Ví dụ 1: Thay vì gồng mình lên cho những mục tiêu lớn, ta có thể xây dựng những điều ta muốn làm thành THÓI QUEN.
- Mỗi ngày một người trưởng thành cần đưa ra 35.000 quyết định lớn nhỏ – từ “làm gì để dỗ người yêu?”, “có đến phòng gym không?”…, cho đến “trưa nay ăn gì”, “đi đường nào đi làm?”…
- 35.000 là một con số khổng lồ, và có thể làm não ta quá tải. Nhưng nếu ta rèn được THÓI QUEN (có chủ đích) – một phần quan trọng của khía cạnh “phi lý trí”, phần lớn các quyết định đó sẽ được tự động hoá, và ta để dành được nhiều não hơn cho những sự vụ cần suy nghĩ sâu.
- Một vài nội dung hay ho về việc xây dựng thói quen:
- Bài viết: Những Mục Tiêu “Nhỏ Đến Mức Ngớ Ngẩn”
- Bài viết: Thói Quen Kiểu “Không-Dùng-Não” (No-Brainer)
- Bài viết: “Ý Chí Là Nguồn Tài Nguyên Hữu Hạn.”
- Sách: ATOMIC HABITS – James Clear
Ví dụ 2: Thay vì cố gắng xoá sổ điểm yếu cá nhân, ta có thể “nương theo” nó.
- Không ai là hoàn hảo. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng.
- Tớ có một điểm yếu là: Trong lĩnh vực mà bản thân tớ cho là chuyên môn của mình (cụ thể: hồi cấp 3 là Tiếng Anh, hồi đại học là nhảy K-pop, hiện tại là digital instructional design), tớ dễ xù lông trước phản hồi trái chiều từ người khác.
- Thay vì cố ép bản thân mở lòng ra nhận phản hồi trái chiều (dùng lý trí đè phi lý trí), tớ đã “nương theo” luôn cái nết đó bằng cách:
- Tớ không hỏi xin “feedback” nữa. Giờ tớ hỏi mọi người “có input gì thêm để công việc hoàn thiện hơn” không. Bản thân việc wording câu hỏi như vậy đặt tớ vào tâm thế là: bất kỳ phản hồi nào mình nhận được đều giúp mình và đứa con tinh thần của mình xinh đẹp hơn. Mà tớ thì vốn thích những thứ hoàn hảo và xinh đẹp.
- Tớ không hỏi xin input trực tiếp/ qua cuộc gọi nữa. Giờ tớ hỏi xin input qua tin nhắn/ email. Nhận input qua đường chữ, tớ có thời gian chờ để những cảm xúc xù lông ban đầu đi qua; rồi khi đã tĩnh lại, tớ mới dùng lý trí cân nhắc các input từ 500 anh em.
Lời kết
Có những thứ không phải cứ cố là được. Khi động đến phần “phi lý trí” bên trong mỗi người chúng ta, nhiều khi ta cần tìm cách “outsmart our brain” – lợi dụng, nương theo chiều gió, hơn là đi ngược chiều gió.
Cậu có thể bắt đầu thí nghiệm với các hành vi của bản thân để hiểu những xu hướng, định kiến, thói quen… của chính mình, từ đó thiết kế cuộc sống tốt hơn nhé.
Biết MÌNH biết ta, trăm trận trăm thắng.
*Outsmart your brain là thuật ngữ được đưa ra bởi Daniel Willingham – Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Virginia.