Nếu “trót” đam mê thứ mình không giỏi…

Nhỏ tới lớn, hầu như mấy thứ tớ thích – Toán, tiếng Anh, nhảy K-pop… – đều là những thứ tớ có sẵn năng khiếu. Câu chuyện con gà – quả trứng giữa “thích” và “giỏi”, mình lôi ra bàn cả ngày cũng không hết. Nhưng có một điều chắc chắn là từ lâu, tớ đã quen với suy nghĩ: “mình thích một cái gì đó” = “mình là top đầu cái đó”.

Yoga thì lại là một trải nghiệm khác hoàn toàn.

3 năm tập yoga, cùng ca tập với tớ luôn có nhiều người thuộc “hàng top”. Họ có thể lên được các tư thế cân bằng trên tay như quạ, trồng chuối…, cũng có thể xử ngon những tư thế ép dẻo như xoạc, hay quý tộc (ugra asana).

Tớ thì tự tin ở những động tác ép dẻo đấy, nhưng cứ tư thế nào cần dồn lực về cổ tay là tớ lăn đùng ra. =))) Nếu yoga là một môn học, chắc chắn tớ không nằm trong top đầu của lớp đâu. Thế mà tớ vẫn rất đam mê bộ môn này.

Nhờ yoga, tớ bỡ ngỡ nhận ra: “Mình thích một cái gì đó” KHÔNG nhất thiết phải đồng nghĩa với “mình là top đầu cái đó”.

Nếu “trót” đam mê thứ mình không giỏi, ta sẽ bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu của bản thân khi theo đuổi điều đó. Từ đây, ta có 2 hướng tiếp cận như sau:

👑 TẬP TRUNG VÀO TRẢI NGHIỆM: Nếu “trót” đam mê thứ mình không giỏi, ta có thể tập trung tận hưởng chính hành trình học tập – trải nghiệm đó, không để sự thiếu hoàn hảo ngăn cản đam mê của mình.

Và/hoặc

👑 TẬP TRUNG VÀO PHÁT TRIỂN: Nếu “trót” đam mê thứ mình không giỏi, ta có thể tạo một kế hoạch hành động cụ thể để tiến bộ hơn, ví dụ: tăng cường tập luyện; tìm kiếm sự đồng hành từ những người cùng ý chí/ giỏi hơn.

Điểm hay ho là: 2 hướng tiếp cận trên không hề loại trừ lẫn nhau (mutually exclusive). Tức là: ta có thể làm một trong hai, hoặc cả hai, tuỳ mục tiêu của mình.

Quay lại với câu chuyện yoga của tớ: Tớ không (chưa?) giỏi yoga, nhưng tớ đam mê tập yoga. Trong thực tế tớ đã làm gì?

  • Đầu tiên, tớ trả lời câu hỏi: Chung quy, tớ tập yoga vì cái gì? ⇒ Đáp án: Tớ không tập để trở thành chuyên gia yoga, tớ tập để có một cơ thể khoẻ mạnh hơn về cả tinh thần và thể chất.
  • Với mục tiêu như thế, tớ chọn hướng tiếp cận TẬP TRUNG VÀO TRẢI NGHIỆM. Tớ chỉ đơn giản là sống hết mình trong hiện tại, tập trung vào hơi thở, tập trung vào động tác, mỗi lần vào lớp yoga thôi.
  • Tớ không ép bản thân hôm sau phải giữ tư thế được lâu hơn hôm trước, không ép bản thân mỗi tuần phải lên được tư thế mới.
  • Thế mà, bản thân việc tập luyện đều đặn cũng tạo ra những “side effect” (tác dụng phụ) rất đáng yêu. Ví dụ như: bắp tay tớ giờ săn hơn hẳn, sức bền tốt hơn, nhịp thở cũng đều hơn so với trước khi tập yoga.

Nếu “trót” đam mê thứ mình không giỏi, cậu có thể nhắc bản thân rằng: Mọi thứ không phải chỉ xoay quanh việc trở thành top đầu hay đạt kết quả xuất sắc, mà nhiều khi, bản thân việc thỏa mãn đam mê và tận hưởng quá trình mới đem lại nhiều thi vị cho cuộc sống của mình rồi đấy.

P.s.

Đáng ra bài viết này kết thúc ở đoạn trên rồi, nhưng khi biên tập lần cuối trước khi xuất bản, tớ lại nghĩ đến Chi Pu. Chính xác là tớ nghĩ về Chi Phu và đam mê theo đuổi ca hát của cô ấy.

Chi Pu không có khả năng thiên bẩm về ca hát, nhưng lại tập trung vào xây dựng một sự nghiệp trong đó vai trò “ca sĩ” là trọng tâm: trên cả Facebook và Instagram chính thức, Chi Phu đều đặt profile là “ca sĩ / diễn viên” – “ca sĩ” đi trước “diễn viên”.

Vậy trong trường hợp một người muốn xây dựng danh tính cốt lõi (core identity) dựa trên lĩnh vực họ đam mê nhưng không có khả năng thiên bẩm, việc “theo đuổi đam mê” – kể cả tập trung vào quá trình hay tập trung vào phát triển (như bài viết trên đặt vấn đề) – liệu có tốt cho chính họ hay không?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top