Nếu “hạnh phúc” có một công thức?

500 năm qua, điều kiện sống trên trái đất đã trở nên dễ thở hơn nhiều với loài người. Sự phát triển của công nghệ, y tế, giáo dục… giúp tăng tuổi thọ trung bình từ 50 tuổi ở những năm 1500 lên 73 tuổi ở năm 2022.

Nhưng mà, con người có trở nên hạnh phúc hơn không? Giữa một thời đại áo ấm cơm no, sao nhiều người vẫn (có vẻ) khổ sở thế?

Lý giải cho vấn đề này, Yuval Harrari viết:

“Happiness depends on the correlation between objective conditions and subjective expectations.”
Dịch: Hạnh phúc nằm ở mối tương quan giữa điều kiện khách quan và kỳ vọng chủ quan

(Trích Sapiens – Lược Sử Loài Người).

Nếu bạn muốn một cái xe bò và nhận được một cái xe bò, bạn thấy hạnh phúc. Nếu bạn muốn một chiếc Ferrari mới toanh, và nhận được một chiếc KIA Morning cũ, bạn thấy khổ sở.

Nếu bạn không học gì mà bài kiểm tra được điểm 8, bạn thấy hạnh phúc. Nếu bạn mài mông ôn luyện, kỳ vọng đạt điểm tuyệt đối, mà bài được điểm 8, bạn thấy khổ sở.

Con bạn tìm được công việc đầu tiên với mức lương 7 triệu/tháng. Nếu bạn chỉ mong con cái lớn lên thành người độc lập, có ích cho xã hội, bạn hạnh phúc. Nếu bạn kỳ vọng con trở thành ông này bà nọ, lương ngàn đô ngay khi ra trường, bạn khổ sở.

Nếu hạnh phúc có một công thức, tớ nghĩ nó sẽ là: HẠNH PHÚC = CÁI MÌNH CÓ – CÁI MÌNH MUỐN.

Số này dương thì ta hạnh phúc, âm thì ta khổ sở.

Chẳng vậy mà thầy Minh Niệm từng nói: “Chúng ta không thiếu đi điều kiện để hạnh phúc, mà chúng ta thiếu đi khả năng cảm nhận cái gì là hạnh phúc.” Ngày nay, điều kiện sống tốt hơn, nhưng mức kỳ vọng cũng cao hơn, nên thực ra, chưa chắc chúng ta hiện tại đã hạnh phúc hơn các cụ 500 năm trước.

HẠNH PHÚC = CÁI MÌNH CÓ – CÁI MÌNH MUỐN.

———————

P.s. Một topic nhỏ hơn: Mạng xã hội có làm người ta khổ sở hơn không?

Mình nghĩ là không, và có.

Bản thân mạng xã hội không đem lại sự khổ sở cho người dùng. Nếu khổ thì chẳng bao giờ 58% loài người – cái loài ưa lạc thú – lại lao đầu vào.

Nhưng mạng xã hội mở ra những cánh cửa làm tăng sự kỳ vọng. Ví dụ:

  • Thời các cụ còn sống cả đời sau luỹ tre làng, một người 20 tuổi sẽ chỉ biết đến và so sánh ngoại hình bản thân với mấy chục, mấy trăm người cùng sống trong làng đó, trong điều kiện đó, với những đường nét cơ thể đó;
  • Thế kỷ 21, một người 20 tuổi so sánh ngoại hình bản thân với cả thế giới, không chỉ với những người đồng trang lứa ở những tỉnh thành, quốc gia khác (phát triển hơn), mà còn so sánh với loạt người mẫu, diễn viên, qua những hình ảnh được chỉnh sửa hoàn hảo.

Kỳ vọng, hoặc “mức chuẩn” tăng vọt đến vậy, chẳng khó để hiểu vì sao chỉ số hạnh phúc của nhiều người dùng mạng xã hội âm đến không thể âm hơn.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top