Nếu coi một cuộc đời giống một nền kinh tế thì sẽ thế nào nhỉ?
Câu chuyện về prioritizing – sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống – không mới. Những nội dung về chủ đề này nhiều đến nỗi giờ gần như ai cũng biết mình phải chọn. Vấn đề là, prioritizing không chỉ đơn thuần là làm cái này thì khỏi làm cái kia, hay làm cái này xong rồi mới đến cái kia. Trong một cuộc đời, “cái này” và “cái kia” nhiều khi dây mơ rễ má dính lấy nhau, giống như trong một nền kinh tế, ngành này ảnh hưởng đến ngành kia, mặt hàng này tác động đến mặt hàng kia vậy.
Giá xăng dầu tăng dẫn đến giá các mặt hàng tiêu dùng tăng.
Từ Covid-19, nhu cầu mua hàng online tăng dẫn đến nhu cầu tuyển dụng vị trí shipper tăng.
Trước khi chính phủ đưa ra chính sách, phân bổ ngân sách để thúc đẩy mỗi ngành kinh tế, họ phải nghiên cứu mối liên hệ của ngành đó với các khía cạnh khác trong nền kinh tế.
Vậy thì, trước khi sắp xếp thứ tự ưu tiên, chẳng phải ta cần tìm ra sự liên hệ của các mảng cuộc sống của ta với nhau sao?
Ví dụ:
Nhiều khi, cuộc sống tình cảm thì bế tắc làm ta âu sầu ủ rũ, khó tập trung công việc. Nếu thế thì: không phải cứ cắm mặt vào chạy deadline, mặc kệ người yêu/bạn bè chờ đợi mòn mỏi là tốt, phải không?
Nhiều khi, phải kiếm được nhiều tiền ta mới mua được đồ ăn chất lượng, mới cho con đi học được trường tốt, mới làm tròn vai người cha/mẹ, chồng/vợ. Nếu thế thì: không phải cứ từ chối làm overtime và về nhà chơi với con là tốt, phải không?
Tóm lại, trong quản trị thời gian/ quản trị cuộc đời, nếu bước 1 là sắp xếp thứ tự ưu tiên, thì trước đó, bước 0 phải là nhìn ra mối liên hệ của các hạng mục mình chuẩn bị sắp xếp đã. Biết đâu mình chỉ cần tập trung vào một mảng cuộc sống, những mảng còn lại tự động lên hương thì sao?