Đã qua rồi thời mà chúng ta tự hào nói “Tôi là chuyên gia trong lĩnh vực A”. Nháy mắt một cái, ngày mai máy có thể làm thay bạn trong lĩnh vực A rồi, vậy lúc đó bạn làm gì?
Từ ngày làm về digital transformation đến giờ, mình nghĩ nhiều về vị trí của bản thân trong chuỗi giá trị tương lai. Theo báo cáo “Tương Lai Nền Kinh Tế Số Của Việt Nam” (CSIRO và Bộ Khoa học Công nghệ đồng tác giả), đến năm 2045 (tức chỉ 24 năm nữa thôi), 20-35% các công việc hiện tại ở Việt Nam sẽ bị/được thay thế/ chuyển đổi.
Cũng trong năm nay, mình gặp một người thầy về đầu tư, một người thầy về bán hàng, và một người thầy về đào tạo. Ba người khác nhau về phong cách lắm, nhưng lại cùng nói với mình một thông điệp: thời đại này thì cất cái “kinh nghiệm” đi em, ta tập trung vào “phương pháp” thôi.
Mình từng đặt mục tiêu lớn là 20 năm nữa, mình sẽ trở thành một trainer giỏi/ một người viết chương trình huấn luyện giỏi. Nhưng rõ ràng trong tương lai, AI (trí tuệ nhân tạo) có thể làm được những việc đó thay con người mà. Thế lúc đó mình sẽ làm gì?
Có lẽ, thế hệ của mình không thể nào cố vẽ ra một kế hoạch sự nghiệp 20 năm nữa rồi. Và cũng có lẽ, thế hệ của mình không thể nào bó buộc bản thân trong “kinh nghiệm” với “chuyên môn” được nữa. Chúng mình phải có khả năng làm được nhiều việc, thích ứng với những nhu cầu không ngừng thay đổi của thế giới VUCA.
Mình sẽ kết lại bài với một câu trích dẫn từ Harvard Business Review: “Technical competence is temporary, but intellectual curiosity must be permanent.” – “Năng lực chuyên môn là tạm thời, nhưng sự ham học phải là vĩnh viễn.” Kim chỉ nam mà chúng ta theo đuổi, để bản thân không bị đá văng khỏi chuỗi giá trị của thế giới tương lai, đơn giản là KHÔNG NGỪNG HỌC mà thôi.