Muốn thay đổi? Bỏ cái bịt mắt ngựa ra đã!

Sếp tớ từng dùng hình ảnh con ngựa bị bịt mắt để coach cho tớ về cách tư duy khi đi làm:

“Em có biết người ta bịt mắt con ngựa để làm gì không? Để bắt nó chỉ nhìn thẳng vào con đường nó cần đi, để nó không bị kích động, không bị phân tán sự chú ý bởi những yếu tố xung quanh.

Nhưng khi em làm việc lớn, chạy dự án liên phòng ban chẳng hạn, mà em lại đeo cái bịt mắt ngựa – tức là chỉ nhìn chằm chằm vào việc trước mắt, không cần biết tác động của cái mình muốn thay đổi lên những cách làm, quy trình hiện hữu, không cần biết sự liên hệ giữa việc của mình và những phòng ban khác – thì chắc chắn việc không thành.

Muốn làm việc lớn, mình phải biết bỏ cái bịt mắt ngựa, phải biết phóng tầm mắt xa ra và nhìn bức tranh tổng thể.”

Tớ tin là lời khuyên này hữu ích cả khi đi làm, và trong đời sống cá nhân.


Ví dụ 1 – Xây dựng thói quen mới

Giả sử cậu muốn chạy bộ 30 phút mỗi ngày tại công viên gần nhà.

Để hình thành thói quen, không phải cứ mua đôi giày chạy, rồi hàng ngày ra công viên là xong. Bỏ cái bịt mắt ngựa ra, ta sẽ cần trả lời ít nhất những câu hỏi dưới đây:

Mình sẽ chạy bộ vào thời điểm nào trong ngày?

Để làm được điều đó, thời gian biểu hiện tại sẽ cần thay đổi thế nào? Các thói quen hiện tại sẽ thay đổi thế nào?

Giả sử cậu chọn chạy bộ vào 6h sáng mỗi ngày, các nghi thức buổi sáng (morning routine) của cậu có cần đổi gì không? Cậu có cần dậy sớm hơn không? Nếu cần dậy sớm hơn, mỗi tối cậu có cần đi ngủ sớm hơn không? Nếu cần đi ngủ sớm hơn, thói quen buổi tối của cậu sẽ cần thay đổi thế nào?


Ví dụ 2 – Triển khai hệ thống khi đi làm

Giả sử cậu làm ở bộ phận huấn luyện, và cần triển khai một khoá học mới A.

Để triển khai một khoá học, không phải cứ soạn xong bài, rồi mời người vào học là xong. Bỏ cái bịt mắt ngựa ra, ta sẽ cần trả lời ít nhất những câu hỏi dưới đây:

Khoá A mới này có thay thế khoá học nào hiện tại không?

Giả sử A thay thế B (một khoá học cũ), thì những người đã học khoá cũ có phải đi học lại khoá mới này không? Nếu cần học, thì deadline để họ hoàn thành khoá A là khi nào? Làm thế nào để họ biết về sự thay đổi này?

Nếu không thay thế khoá học nào hiện hữu, thì liệu người ta có vì ham hố thử học khoá A mà hết mặn mà với các khoá học cũ có cùng chủ đề không (hiện tượng product cannibalization)?


Kết luận

Được rồi. Hiện tại cậu đang muốn thay đổi điều gì?

Bỏ cái bịt mắt ngựa ra, cậu nghĩ bản thân nên tiếp cận thay đổi đó như thế nào?


Một bài viết liên quan đến ý tưởng “bức tranh lớn” trong cuộc sống: Nếu bước 1 là sắp xếp thứ tự ưu tiên, thì bước 0 là gì?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top