Khi có một mục tiêu, thường ta sẽ tự hỏi “Giờ mình cần làm gì để đạt được mục tiêu này”, phải không?
Nhưng đã bao giờ cậu tự hỏi: “Giờ mình làm gì thì mục tiêu này sẽ KHÔNG thể đạt được?”, hoặc dễ hiểu hơn: “Giả sử kế hoạch vừa triển khai xong, và đã thất bại. Lý do của sự thất bại đó là gì?”
Đặt câu hỏi kiểu “tiêu cực” này giúp cậu nhìn trước được những rủi ro, những cục đá cản đường. Như vậy, khi lên kế hoạch, cậu sẽ tìm cách loại trừ những rủi ro đó ngay từ đầu, hoặc chuẩn bị trước kế hoạch ứng phó nếu chẳng may rủi ro đó xảy ra, từ đó tăng tỷ lệ thành công.
Ví dụ:
Cậu đặt mục tiêu “Mình sẽ đề xuất ý tưởng táo bạo A trong cuộc họp team tuần tới và thuyết phục sếp triển khai.”
Đặt câu hỏi “tiêu cực”: “Giả sử mình vừa kết thúc cuộc họp tuần tới, và sếp không đồng ý triển khai ý tưởng A. Lý do sếp từ chối là gì?”
❓ Các thành viên còn lại của team thể hiện sự nghi ngờ về tính khả thi của ý tưởng A. ⇒ Cậu sẽ lên kế hoạch để chia sẻ trước cuộc họp với các thành viên trong team về ý tưởng này, để khi cậu trình bày, các thành viên thể hiện sự ủng hộ, hoặc ít nhất không đặt những câu hỏi “phá game” trong cuộc họp.
❓ Sếp cho rằng không đủ data để chứng minh tính hiệu quả của ý tưởng A. ⇒ Cậu cần nghiên cứu và bổ sung data từ nhiều nguồn vào bài chia sẻ của mình để tăng tính thuyết phục.
❓ Sếp cho rằng thời điểm hiện tại nên ưu tiên xử lý những vấn đề khác, A có thể để sau. ⇒ Trong phần chia sẻ ý tưởng, cậu cần chuẩn bị luôn luận điểm “Chỉ cần thực hiện A, toàn bộ những vấn đề Z, Y, Z mà team đang phải xử lý cũng sẽ được xử lý một lần và dứt điểm”.
Khi làm gì đó, việc “làm thế nào để tránh thất bại?” cũng quan trọng không kém gì “làm thế nào để thành công?” đâu.
“Giả sử kế hoạch vừa triển khai xong, và đã thất bại. Lý do của sự thất bại đó là gì?”