Lúc bắt đầu, ai cũng phải “dốt” cái đã…

“Chị ạ, hôm nay anh manager kêu em làm một cái báo cáo Excel cho team. Em mò hơn 2 tiếng vẫn chả ra đâu vào đâu, cái xong nộp bài ảnh sửa be bét. Em phải làm lại. Đến chiều, em thấy chị đồng nghiệp cũng làm một cái báo cáo gần giống vậy, mà bả nhoay nhoáy 10 phút là nộp bài…”

“Em rotate(*) qua team mới được bao lâu rồi nhỉ?”

“Dạ 1 tuần…”

“…”

(*) rotate = luân chuyển qua làm việc tại một phòng ban khác trong cùng công ty; việc luân chuyển trong trường hợp này là một phần của lộ trình Management Trainee.

Bên trên là cuộc đối thoại giữa tớ, và đứa em đang làm Management Trainee tại một tập đoàn đa quốc gia nọ.


Sau 8 lần nhận-vai-trò-mới-toe (luân chuyển phòng ban/ nhận dự án) chỉ trong 3 năm đầu đi làm, tớ học được một điều thế này:

Lúc bắt đầu một công việc mới, ai cũng phải “dốt” cái đã. Ở thời điểm đó, càng đặt bản thân trong tương quan với đồng nghiệp xung quanh, ta sẽ càng thấy mình “dốt”. Ta cảm giác người khác ai cũng biết họ đang làm gì, trong khi ta thì không.

Vì sao?

Thứ nhất, công việc mới yêu cầu bộ kỹ năng mới, đòi hỏi ta phải học từ đầu. Thứ ta cần học không chỉ có kỹ năng cứng (làm việc chuyên môn; làm báo cáo; sử dụng phần mềm; …), mà còn có kỹ năng mềm (công việc này những ai có liên quan; ai là người có tầm ảnh hưởng; ai là người ra quyết định cuối cùng; quá trình ra quyết định ở đây mang tính “dân chủ” cao, hay “sếp chỉ đâu lính đánh đó”…). Mọi thứ đều mới tinh, và đòi hỏi ta xử lý CÙNG MỘT LÚC.

Thứ hai, ta chưa tự đo lường được chất lượng thành phẩm của mình. Ví dụ: báo cáo này đã đủ thông tin chưa, đủ insight chưa; hạng mục này hoàn thành trong 1 ngày là nhanh hay chậm… Hầu hết thời gian, ta sẽ phải đợi feedback từ người khác (sếp, đồng nghiệp) để biết được mình làm tốt/tệ đến đâu. Chúng ta giống những đứa trẻ được yêu cầu phải nghịch một trò gì đó, mà không ai nói cho chúng ta nghịch đến đâu là được phép, nghịch đến đâu thì bị phạt.

Tin vui là: trong hầu hết trường hợp, “dốt” xong một thời gian thì người ta sẽ giỏi dần đều.

Càng làm nhiều, ta sẽ càng quen việc – biết phải nhấn nút nào để chạy ra đúng số, biết liên hệ ai để chốt được việc…

Càng nhận feedback nhiều, ta sẽ dần tự định hình được bộ đánh giá chất lượng công việc của mình: ngay sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, tự bản thân ta có thể bước đầu đánh giá được chất lượng, tốc độ… của việc ta vừa làm.

Ta dần xây dựng được quy trình làm việc của mình, chuẩn mực làm việc của mình. Và một ngày, tự dưng ta thấy mình hết “dốt”.


Để tớ kể cậu nghe thêm chuyện này.

3 năm đầu đi làm (theo lộ trình Management Trainee), vì “nhảy” phòng ban liên tục, tớ gần như luôn ở trong trạng thái “đang học việc”, và liên tục hoài nghi khả năng của mình.

Đến tận lúc tốt nghiệp lộ trình Management Trainee rồi, tớ vẫn băn khoăn không biết khả năng của bản thân có thực sự tương xứng với chức vụ “Phó phòng” mà tớ đang giữ không nữa, cho đến một lần gần đây – khi tớ là project owner, chịu trách nhiệm một sự kiện livestream hàng ngàn người xem trên Facebook, đụng tay vào đủ thứ task: từ lập project team, lên ý tưởng, lên kế hoạch, lên kịch bản, làm việc với các bên liên quan, mua hàng, cho đến lên sóng ở vai trò host…

Thực sự là một nhiệm vụ đòi hỏi bộ kỹ năng tả pí lù – thường cần khá nhiều người cùng vào cuộc, và là một nhiệm vụ bất khả đối với chính tớ mấy năm trước.

Thế mà tớ làm được, làm tốt hẳn hoi.

Giả sử, cậu là một người mới bắt đầu gia nhập công ty, và nhìn thấy một bà đồng nghiệp “lên đồng”, cân được cả một sự kiện như thế, hẳn cậu sẽ hoang mang lắm, sẽ thấy bản thân “dốt” lắm?

Nhưng mà cậu ơi, trước khi làm được như thế, tớ đã “dốt” trong suốt 3 năm, “dốt” tại nhiều phòng ban, “dốt” khi học nhiều kỹ năng tưởng như chả liên quan, mà cuối cùng lại bổ trợ cho nhau cực kỳ hợp lý ấy.

Lúc bắt đầu, ai cũng phải “dốt” hết…

Cho nên, nếu cậu đang bắt đầu một điều gì đó mới – ngành học mới, kỹ năng mới, công việc mới… – hãy cho bản thân thời gian để học, để khám phá, để mắc lỗi nhé.

Rồi cậu sẽ ổn thôi.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top