Một cơ hội mới để được “dốt”
Hồi trước tớ có viết bài blog “Lúc bắt đầu, ai cũng phải “dốt” cái đã…”.
Để cung cấp ngữ cảnh thì tớ đi làm gần 6 năm rồi:
- 3 năm đầu, theo lộ trình Management Trainee, tớ được rotate liên tục qua các phòng ban, làm việc mới liên tục, cảm thấy “dốt” cũng liên tục.
- 2 năm tiếp theo tớ đào sâu chuyên môn tại một bộ phận – hiểu công việc, quen con người, làm việc thì thấy bắt đầu có độ trôi chảy, nhịp nhàng, duyên dáng của “ma cũ”.
- Thế rồi, bùm, 1 năm vừa rồi, tớ có cơ hội qua Ý (một đất nước mới toe) làm việc tại trụ sở (một hệ thống stakeholder mới toe) ở bộ phận Nhân sự (một mảng chuyên môn gần như mới toe). Và tớ lại trải qua giai đoạn “dốt”.
Lóng ngóng không hiểu các thuật ngữ chuyên môn. Khi nhận task cũng không biết cần bắt đầu từ đâu. Mắc lỗi. Liên hệ sai stakeholder. Tất cả những gì một đứa newbie có thể lóng ngóng thì gần nguyên một năm qua của tớ là như vậy.
Một điều làm tớ chíu khọ hơn nữa là bản thân chưa thể đóng góp ý kiến, ý tưởng gì nhiều. Nếu như 2 năm gần đây, tớ quen chia sẻ ý tưởng để cùng team giải quyết các bài toán công việc, thì gần đây tớ chỉ có thể nghe và gật đầu. Không thể đóng góp ý kiến gì nhiều – vì mình vẫn đang học mà, chưa rõ chỗ đúng chỗ sai, chưa rõ cần làm thế nào để tốt hơn hiện tại.
Nhìn nhận vấn đề từ thuyết Situational Leadership
Theo lý thuyết Situational Leadership (*), ở mỗi bộ kỹ năng, một người đi làm có thể được xếp vào 4 nhóm:
- M1 – Non và xanh (Low Maturity): Năng lực thấp, nhưng động lực/ độ tự tin cao. Hào hứng làm việc, nhưng thiếu kỹ năng, kiến thức. Ví dụ: A nhận mảng việc mới, rất nhiệt tình, nhưng chưa được đào tạo bài bản.
- M2 – Hơi xanh (Medium-Low Maturity): Năng lực thấp, động lực/độ tự tin thấp. Ví dụ: Sau thời gian “trầy trật”, A nhận ra mình còn phải học nhiều, và mất tự tin.
- M3 – Sắp chín (Medium-High Maturity): Năng lực cao, động lực/độ tự tin thấp. Giỏi chuyên môn, nhưng thiếu động lực, tự tin. Ví dụ: A dần giỏi hơn, nhưng vẫn thiếu tự tin.
- M4 – Chín muồi (High Maturity): Năng lực cao, động lực/độ tự tin cao. Ví dụ: A giờ đã hoàn toàn tự tin, có đủ khả năng, động lực hoàn thành xuất sắc công việc.
Bên cạnh đó, dù cậu có kinh nghiệm dày dặn đến đâu, nhảy qua tổ chức mới là mọi thứ đều về mo (từ M1) hết. Kiến thức chuyên môn cậu có đấy, nhưng văn hóa tổ chức, mục tiêu của tổ chức, và hệ thống “stakeholder” đã thay đổi rồi.
Khác với những lần “dốt” trước đây…
Nhờ kinh nghiệm “dốt” nhiều lần trong 3 năm đầu đi làm, nhờ được học về Situational Leadership, nên khác với những lần “nhảy việc” trước, giờ tớ tự tin rằng: đoạn đường tù mù này, tớ cứ đi, rồi sẽ đến lúc sương tan và ánh nắng hiện ra thôi.
Nếu cậu đang, hoặc sắp, dấn thân vào một mảng chuyên môn, hoặc một tổ chức mới, cứ nhớ là: Lúc bắt đầu, ai cũng phải “dốt” cái đã. Hãy cho bản thân không gian và thời gian để “dốt”, bởi vì, còn cảm thấy “dốt” tức là còn đang học, đang phát triển đấy.
(*) Một chú note nho nhỏ: Situational Leadership là một lý thuyết khá thú vị, hiểu nó thì cậu sẽ quản mình, và “quản” cả sếp dễ hơn khi đi làm đấy.