Chúng ta thường nghe câu “Hãy là chính mình”. Nhưng mà… “chính mình” là gì mới được? Nếu không là chính mình thì điều gì xảy ra?
Thế nào là “chính mình”?
Theo một nghiên cứu của Higgins (1987), có ba khía cạnh tạo nên chữ “mình”:
- the actual self (mình hiện tại): bao gồm các đặc điểm mà bản thân đang sở hữu
- the ideal self (mình tuyệt nhất): bao gồm các đặc điểm mà bản thân, từ tận đáy lòng, muốn sở hữu – mục tiêu, khát vọng cá nhân
- the ought self (mình chuẩn mực): bao gồm các đặc điểm mà bản thân tin rằng mình “nên sở hữu”, thường dựa trên kỳ vọng xã hội – nhiệm vụ, trách nhiệm
Tuỳ người, tuỳ thời điểm, ba chữ “mình” trên có thể trùng nhau ít nhiều, cũng có thể khác xa nhau.
Ví dụ (1): nếu một bạn sinh viên có 3 khía cạnh “mình” khác nhau, thì câu chuyện có thể như sau:
- “Mình hiện tại” là sinh viên khoa X trường Y.
- Cá nhân mình muốn trở thành “mình tuyệt nhất” – một người trẻ đi du lịch và học hỏi nhiều nơi.
- Bản thân và mọi người xung quanh tin rằng mình nên trở thành “mình chuẩn mực” – một sinh viên với GPA ít nhất 3.5/4, năng nổ tham gia các cuộc thi giải business case.
Ví dụ (2): nếu một người trung niên có 3 khía cạnh “mình” khác nhau (về công việc), thì câu chuyện có thể như sau:
- “Mình hiện tại” là một trưởng phòng ở tập đoàn Z.
- Cá nhân mình muốn trở thành “mình tuyệt nhất” – một life coach giúp đỡ những bạn trẻ đang gây dựng sự nghiệp.
- Bản thân và mọi người xung quanh tin rằng mình nên trở thành “mình chuẩn mực” – một nhà lãnh đạo mẫu mực, được thăng tiến từ cấp trưởng phòng lên cấp giám đốc, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh…
3 loại “mình” liên quan gì đến nhau?
Khi ta tin rằng “mình hiện tại” không khớp với “mình tuyệt nhất”, ta thấy buồn và thất vọng.
Khi ta tin rằng “mình hiện tại” không khớp với “mình chuẩn mực”, ta thấy sợ hãi và tội lỗi.
Điểm hay ho ở đây là: Nỗi sợ kích thích chúng ta hành động nhiều hơn là nỗi buồn. Chính vì vậy, người ta có xu hướng hành động ngay để sửa chữa khoảng trống “mình hiện tại” – “mình chuẩn mực”, còn việc sửa chữa khoảng trống “mình hiện tại” – “mình tuyệt nhất” thì không được ưu tiên.
Nếu cậu từng đọc 7 Habits For Highly Effective People (Stephen R. Covey), thì việc hành động để sửa chữa khoảng trống “mình hiện tại” – “mình chuẩn mực” giống như việc ở Góc phần tư số I (vừa quan trọng vừa khẩn cấp), còn hành động để sửa chữa khoảng trống “mình hiện tại” – “mình tuyệt nhất” nằm ở góc phần tư số II (quan trọng nhưng không khẩn cấp).
Nói cách khác, người ta thường tự đặt cho bản thân những kỳ vọng, trách nhiệm (dựa trên chuẩn mực xã hội), rồi ưu tiên chạy theo nó hơn là thực sự sống cho bản thân mình.
Trong nghiên cứu trên, đến cuối đời, nhiều người tham gia đã thành công trở thành “mình chuẩn mực”. Nhưng hầu hết người tham gia chia sẻ rằng họ nuối tiếc vì đã không dành nhiều thời gian, công sức hơn để trở thành “mình tuyệt nhất”.
Lời kết
Tin vui cho chúng ta: Nghiên cứu trên được thực hiện vào những năm 1970s-1980s; tức là, sự nuối tiếc tớ kể bên trên thuộc về thế hệ ông bà chúng ta.
Câu hỏi là: Thế hệ ông bà đã phải nuối tiếc vì không dám sống đúng với “mình tuyệt nhất” rồi. Vậy thế hệ chúng ta, chính cậu, chính tớ, có muốn lặp lại sự nuối tiếc đó không, hay sẽ làm gì khác đi?