Góc nhìn mới: Vấn đề không nằm ở “Gen Z”, vấn đề nằm ở “tuổi 20”?

Nhìn tổng thể 70 năm cuộc đời, cậu có nghĩ tuổi 20 là giai đoạn bấp bênh nhất không?

Ở tuổi 20, cậu như con cá nhỏ, bơi từ “cái ao” gia đình và nhà trường – những môi trường dễ đoán định, nơi hầu như mọi thứ có thể giải quyết bằng việc lên kế hoạch, mọi đáp án đều rõ ràng như điểm 6 hay điểm 10 trên bài kiểm tra – ra ngoài đại dương rộng lớn.

Ở tuổi 20, hầu hết chúng ta thức dậy vào buổi sáng mà chẳng rõ mình sẽ sống ở đâu trong 5 năm tới, liệu có ai yêu thương mình không, liệu mình có hạnh phúc không, công việc có đủ trang trải chi phí không, hay bạn bè của mình sẽ là ai.

Có quá nhiều thứ phải lo lắng. Mà não người thì không thích sự thiếu chắc chắn. Thậm chí, não nhận định sự thiếu chắc chắn là mối nguy hiểm. Thế là, chúng ta thành ra sống trong trạng thái cảnh giác 24/7. Và chúng ta mệt mỏi, hoang mang, thậm chí kiệt sức.


Hẳn gần đây, cậu và tớ đều liên tục thấy những câu hỏi kiểu “Có gì sai sai với đám Gen Z ấy nhỉ?”

Thực ra bản thân tớ cũng không rõ thế hệ tụi mình có gì sai sai không, nhưng Meg Jay – Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng về sự phát triển của thanh niên, tác giả cuốn sách “Tuổi 20 – Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời Bạn” – có chia sẻ thế này trong một podcast:

“Nhìn từ góc độ phát triển tâm lý, những người ở độ tuổi 20 nói chung sẽ ít hạnh phúc hơn những người ở độ tuổi 30, 40 và 50.

Trong suốt 25 năm tôi làm nghiên cứu, tuổi 20 luôn là giai đoạn khó khăn nhất về mặt sức khỏe tâm lý, và nó sẽ tiếp tục là như vậy. Điều này liên quan đến những giai đoạn phát triển trong cuộc đời, hơn là sự khác biệt thế hệ.

Vấn đề không phải là Gen Z quá nhạy cảm hay bị ái kỷ. Ở tuổi thanh niên, ai, thế hệ nào, cũng phải cố gắng vượt qua nhiều thách thức cùng một lúc, với các kỹ năng mà họ mới chỉ đang chập chững học được, mà thôi.

Tôi nghĩ đây là một điều thực sự quan trọng mà chúng ta cần xem xét lại.”


Nghe xong tập podcast trên, trong đầu tớ hiện lên một liên tưởng thế này:

Khi ta đã đi xe đạp thạo rồi, nhiều khi ta cảm thấy khá khó hiểu khi nhìn mấy đứa trẻ con tập đạp xe. Đạp xe dễ mà? Sao cứ loạng choạng mãi không giữ nổi thăng bằng thế nhỉ? Không thăng bằng được thì ngã thôi, làm quái gì phải khóc toáng lên thế?

Nhiều khi, ta quên mất ở thời điểm mới chập chững ngồi lên yên xe đó, ta đã phải cố gắng như thế nào.

Nhưng mà sau cùng, ta, hay mấy đứa trẻ con đó, cứ tập rồi cũng biết đạp xe thôi.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top