Để suy nghĩ thông suốt hơn | Phần 3: Du hành vào tương lai

Cuộc sống này vốn bất toàn, vô thường và dang dở (*). Nhiều khi, chúng ta bị choáng ngợp bởi những lo lắng, những tình huống dở khóc dở cười. Vậy, có những thủ thuật nào để ta điều hoà cảm xúc tốt hơn, nhìn nhận vấn đề sáng suốt hơn vào những lúc như vậy?

Trong chuỗi 4 bài viết (xem đầy đủ TẠI ĐÂY), mình cùng tham khảo một vài phương pháp giúp bản thân bình tâm hơn nhé!

4 phương pháp này được đúc kết từ các nghiên cứu của Ethan Kross – một nhà tâm lý học thực nghiệm, nhà khoa học thần kinh và nhà văn người Mỹ, chuyên về điều hòa cảm xúc. Kross hiện cũng là giáo sư tâm lý học và quản lý, đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm Cảm xúc & Kiểm soát Bản thân, tại Đại học Michigan, Mỹ.


PHƯƠNG PHÁP 3: DU HÀNH VÀO TƯƠNG LAI

Tớ vẫn nhớ lần bị một stakeholder quan trọng ở chỗ làm phàn nàn gay gắt.

Tình hình lúc đó cảm giác căng thẳng cực. Mặc dù tớ đã tìm cách giải quyết, những câu từ chỉ trích vẫn bay đến tới tấp, đập vào mắt tớ liên hồi. Tim tớ cứ thình thịch cả buổi, thậm chí có những lúc tớ thấy khó thở luôn.

Nhưng rồi tớ tự hỏi: “Một tháng nữa nhìn lại, chuyện này liệu có nghiêm trọng đến thế không? Một năm nữa thì sao?”

Và câu trả lời là: “Không”.

Và đến hiện tại, hơn 1 năm sau, nhìn lại vụ việc đó, đúng là nó chỉ nhỏ bằng con kiến so với những thử thách khác tớ từng vượt qua trong công việc thật.


Một nghiên cứu của Bruehlman-Senecal và Ayduk (**) đã chỉ ra rằng: Khi ở trong một tình huống “bất ổn”, thay vì tập trung vào những điều tiêu cực đang xảy ra, chúng ta hãy thử hình dung xem bản thân trong tương lai sẽ cảm thấy thế nào về tình huống hiện tại.

Việc “du hành vào tương lai” này sẽ giúp ta nhớ rằng bất cứ điều gì mình đang đối mặt, dù tồi tệ đến đâu, cuối cùng cũng sẽ qua đi. Và điều đó mang lại cho ta hy vọng, một vũ khí giải độc mạnh mẽ cho tâm trí vốn đang tràn ngập sự tiêu cực.


Nhưng cũng phải nói rằng, nhiều khi cảm xúc lo lắng vẫn khó có thể kiểm soát được, dù ta có suy nghĩ lý trí đến đâu đi nữa.

Ví dụ, trong trường hợp của tớ, dù tớ đã tự hỏi, đã biết rõ rằng từ tương lai nhìn lại, vụ việc bị stakeholder phàn nàn sẽ chỉ là một hạt cát cỏn con thôi, nhưng, cho đến tận lúc tớ đi ngủ ngày hôm đó, phản ứng của cơ thể tớ vẫn là tim đập thình thịch, khó thở, nhức đầu.

Một lần nữa, tớ phải nhắc lại rằng, phương pháp này, hay bất kỳ phương pháp nào được gợi ý trong series 4 bài viết, sẽ giúp cậu nhìn nhận vấn đề một cách lý trí hơn và phần nào kiểm soát cảm xúc, nhưng không đảm bảo cậu sẽ chuyển trạng thái từ tiêu cực sang tích cực được (ngay và luôn) đâu nha.

Tuy nhiên, đây vẫn là một phương pháp đáng thử đó chứ, nhỉ?


(*) imperfect, impermanent, incomplete: ba tính chất của cuộc sống theo văn hoá/ chủ nghĩa Wabi Sabi (Nhật Bản)

(**) Bruehlman-Senecal, E., & Ayduk, O. (2015). This too shall pass: Temporal distance and the regulation of emotional distress. Journal of Personality and Social Psychology, 108(2), 356–375. https://doi.org/10.1037/a0038324

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top