Trong cuốn Why We Sleep, nhà khoa học não bộ Matthew Walker có nêu số liệu thế này:
Một cách rất tự nhiên, trong 8 tỷ người trên trái đất:
- 40% thuộc nhóm chim sơn ca (morning larks) – những người bẩm sinh ngủ sớm dậy sớm; làm việc hiệu quả nhất vào đầu ngày.
- 30% thuộc về nhóm cú đêm (night owls) – những người bẩm sinh ngủ muộn dậy muộn; làm việc hiệu quả nhất vào chiều/tối.
- 30% còn lại ở giữa giữa.
Để hiểu vì sao Mẹ Thiên Nhiên phân bổ loài người thành các nhóm như vậy, ta cần đi ngược về thời loài người còn ăn lông ở lỗ. Hồi đó, loài người chưa đạt đến vị trí đỉnh chuỗi thức ăn như bây giờ. Và để tăng tỷ lệ sống sót trong tự nhiên, chúng ta đã tiến hoá để trong một cộng đồng, lúc người này ngủ thì có người kia thức canh gác, rồi lại “đổi ca”.
Biết vậy, rồi ta nên làm gì?
- Tự nghiệm xem nhịp sinh học của bản thân là gì, bản thân làm việc hiệu quả nhất khi nào.
- Xây dựng lịch sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học trên. Giải quyết những việc quan trọng nhất/ cần nhiều não nhất khi bản thân đang ở đỉnh của sự tỉnh táo. Nếu cậu là cú đêm và nơi cậu làm việc có chính sách giờ làm việc linh hoạt, đừng ngại trao đổi với quản lý về việc đổi giờ làm thành 10AM – 7PM chẳng hạn.
- Tôn trọng sự khác biệt trong giờ giấc sinh hoạt của người khác. Không phải cứ dậy sớm là thành công. Không phải cứ dậy muộn là lười biếng. Biết đâu, cậu với mấy người bạn có giờ sinh hoạt khác cậu, (nhiều) kiếp trước lại là người chung một nhà, thức canh cho nhau ngủ đấy. ^^