Đọc kiểu “Hadilao” & đọc kiểu “bánh mì”

Nếu cậu muốn đọc lắm lắm, mà chẳng hiểu sao cứ mở quyển sách ra, lại phải gồng lên để chữ chạy vào đầu (nói cách khác: cậu đang phải ép bản thân đọc, chứ chưa hưởng thụ được việc đọc) thì bài viết này dành cho cậu nè. Dưới đây là 3 cách để đọc hiệu quả.

1. Xác định hình thức thu nạp kiến thức phù hợp với bản thân

Hoạt động “đọc sách” mà mọi người hay ca tụng, bản chất là “học tập”, là “thu nạp kiến thức”, phải không?

Nói thẳng nói thật, trong thế giới hiện đại, sách không còn là độc tài về kênh học tập nữa. Giờ chúng ta có sách (sách giấy, sách điện tử, sách nói…), blog, vlog, podcast, seminar, khóa học online, v.v. Tùy phong cách học, lối sống, mỗi người sẽ chọn cho mình một hình thức phù hợp.

Tớ biết một người anh nạp kiến thức hiệu quả nhất qua kênh hình ảnh (visual) như vlog, phim ảnh, v.v. Tớ quen một người chị cứ cầm quyển sách lên là buồn ngủ, nhưng gửi audiobook, podcast thì bả nghe ầm ầm. Bản thân tớ cầm Kindle lên 10-15’ là mất tập trung, trong khi em gái tớ thì ca tụng Kindle như báu vật cuộc đời.

Đấy, cho nên không có hình thức thu nạp kiến thức nào là “đẳng cấp nhất”, chỉ có hình thức “phù hợp” hay không mà thôi.

2. Giờ nào việc nấy, à, hoặc là “giờ nào đọc nấy”

Có một bạn từng inbox tớ: “Chị ơi, tuần rồi trên bus đến trường, em cố nghe Sapiens – Lược Sử Loài Người ấy. Mà cứ vào tai này ra tai kia chị ạ. Mặc dù bình thường em nghe audiobook rất vào nhé.”

Có thể cậu đã biết (hoặc chưa biết): Mức độ tập trung của não sẽ thay đổi tuỳ thời điểm và ngữ cảnh khác nhau. Trong trường hợp trên, khả năng cao là nội dung đọc chưa phù hợp ngữ cảnh thôi, chứ chẳng phải bản thân bạn ấy không-hợp-với-đọc-sách hay gì. Việc thu nạp Sapiens trong khi đang đi đường cũng giống như có 15’ ăn trưa mà chọn ăn Hadilao vậy đó. 15’ thì hốt vội cái bánh mì thôi chứ nhỉ?

Dưới đây là cách mà cá nhân tớ chọn nội dung đọc cho từng ngữ cảnh, hy vọng có thể làm rõ hơn cho luận điểm này:

Khi ngồi một mình trong không gian tĩnh – mức độ tập trung cao, tớ sẽ nhai đầu những quyển “Hadilao” (khối lượng thông tin lớn, cần vừa đọc vừa tư duy phản biện và tự vấn), ví dụ: Sapiens – Lược Sử Loài Người, 7 Thói Quen Hiệu Quả, Phi Lý Trí…

Khi make up buổi sáng, dọn nhà, đang trên đường di chuyển – mức độ tập trung thấp hơn, tớ chọn nghe tiểu thuyết – dạo này đang nghe Higashino Keigo với Haruki Murakami, hoặc sách healing – ví dụ: các cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh. Với tớ, hai thể loại này thuộc nhóm “bánh mì” – dễ hiểu, không cần quá nhiều não để phân tích.

Lúc nghỉ trưa tại công ty – thời gian ngắn & mức độ tập trung trung bình, tớ đọc các bài blog hoặc xem video YouTube, tựu chung là các nội dung “bánh mì”, nhanh, gọn, tiêu thụ xong thì tạo cảm giác thành tựu.

3. Đừng chỉ đếm đầu sách đã đọc, đếm lượng kiến thức nhớ được và sử dụng được ấy

Đọc xong mà quên sạch, thì chẳng bằng không đọc, phải không? Tớ mất 4 năm để nghiệm được gạch đầu dòng này đó.

Đếm số lượng sách đã đọc là một điểm xuất phát okay, nếu cậu mới bắt đầu xây dựng thói quen đọc/ thu nạp nội dung. Và bước tiếp theo, cậu có thể đo thêm: trong lượng kiến thức mình đã thu nạp, cuối cùng mình còn giữ lại trong đầu, còn dùng được bao nhiêu?

Để nhớ thông tin lâu hơn, cậu có thể chia sẻ với người khác những gì mình rút ra sau khi đọc một cuốn sách. Thi thoảng tớ viết bài review sách, hoặc bài lấy ý tưởng từ một đoạn trong sách, cũng một phần để nhớ bài lâu hơn đó.

Kết lại

Trên đây là 3 việc cá nhân tớ đã thực hiện và thấy hiệu quả, chứ không phải chân lý áp dụng được cho cả vũ trụ. Nếu cậu có thấy ưng bụng mục nào thì có thể thử xem nha!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top