Hẳn ai cũng từng trải qua cảm giác muốn nổ tung vì công việc nhỉ? Deadline dí sát mông, khách hàng khó tính, đồng nghiệp khó ở… Đủ thứ nhức đầu.
Có thể cậu biết rồi (hoặc chưa), giống như mọi thứ khác trong cuộc đời, khi ta đổi góc nhìn, vấn đề cũng thay đổi theo. Và ta có thể giảm mức độ stress bằng cách điều chỉnh chính mình trước.
Dưới đây là 3 gợi ý để cậu tham khảo nè:
1. Mặc định rằng người khác không có ý xấu (Assume best intentions)
Đi làm thì khó tránh khỏi những chuyện khó hiểu, không vui. Chẳng hạn như ai đó mắc lỗi, hay ai đó gửi một email có vẻ thiếu tôn trọng.
Thay vì tự làm mình điên cái đầu vì suy đoán người ta nghĩ gì về mình, tớ luôn tự nhủ rằng: ai đi làm cũng muốn hoàn thành tốt công việc, rồi quay về với cuộc sống riêng thôi. Chẳng ai rảnh đến nỗi sáng dậy tự nhủ “hôm nay quyết tâm làm cho Linh khổ sở” cả. Tớ đâu quan trọng đến mức người ta phải nghĩ về tớ nhiều như vậy.
Cách nghĩ này cũng giúp tớ tăng sự thấu cảm với người khác nữa. Khi mình mặc định rằng người ta không có ý xấu, nếu chẳng may có điều gì không vui, ta cũng có thể tặc lưỡi và tự nhủ rằng “À, chắc người có việc gì đó không vui, hoặc khó nói, nên mới vậy.”
Đương nhiên, không phải lúc nào mọi người cũng tử tế. Có những lúc họ thô lỗ và xấu tính thật, nhưng đó là chuyện của họ. Nếu mình không cho phép, họ cũng không thể làm mình stress được.
2. Tập trung vào giải pháp, không dằn vặt hay hốt hoảng
Tớ nhìn mọi việc ở công ty như những bài toán cần giải, giống như giải đề ôn thi đại học vậy. Hết bài này đến bài khác, đơn giản vậy thôi, không “get too attached” (tức là không quá nặng lòng).
Cậu hãy tự hỏi mình: mình đang nhìn nhận tình huống này như một mối đe dọa đến giá trị của mình, hay chỉ là một vấn đề cần giải quyết?
Ví dụ, thay vì nghĩ “Thôi xong, deadline dí sát đít rồi, mình chết chắc!”, ta có thể tự nhủ “Rồi, giờ mình chỉ có 2 tiếng để làm việc này. Vậy giải pháp là gì?”.
3. Lùi lại phân tích xem cảm xúc nói nên điều gì về bản thân
Dù cố gắng đến đâu, cũng sẽ có lúc cảm xúc mạnh ập đến. Những lúc đó, hãy lắng nghe và phân tích chúng, như cách cậu phân tích nhân vật trong giờ Ngữ văn ấy. Cảm xúc phản ánh giá trị, các mối quan tâm, và những mong muốn sâu thẳm của cậu mà.
Ví dụ: “Vì sao mình thấy cáu?” Phải chăng cơn giận này cho thấy mình đang kỳ vọng điều gì? Có phải mình cảm thấy công sức không được ghi nhận? Vậy ra, mình khao khát được công nhận?
Thay vì chìm đắm trong cảm xúc, ta có thể nhận diện và coi đó là cơ hội để phân tích. Lùi lại một bước, coi cuộc đời mình như một cuốn sách, và cậu là nhân vật chính. “Ồ, nhân vật này phản ứng vậy, điều đó nói lên điều gì về họ?”.
Bên cạnh đó, đừng chỉ phân tích cảm xúc tiêu cực. Bất kỳ cảm xúc mạnh mẽ nào – dù tích cực hay tiêu cực – cũng sẽ mang đến những insight giá trị, giúp cậu hiểu bản thân hơn đấy.
Tóm lại…
Để bớt stress, cậu có thể:
- Mặc định rằng người khác không có ý xấu;
- Tập trung vào giải pháp, không dằn vặt hay hốt hoảng;
- Lùi lại phân tích xem cảm xúc nói nên điều gì về bản thân.
Chúc các cậu luôn “vững tay chèo” trên con đường sự nghiệp nhé!