Dạo gần đây tớ nghĩ về tuổi già khá nhiều. Có thể do tớ đang làm trong ngành bảo hiểm nhân thọ, cũng có thể do năm nay tớ bước sang tuổi 25 – cái tuổi mà cơ thể bắt đầu lão hoá.
Hôm trước, tớ đọc một báo cáo của McKinsey. Họ nói thế này: đúng là trong những năm qua, tuổi thọ con người đã tăng, nhưng không hẳn tăng một cách khoẻ mạnh. Một người trung bình sẽ sống thêm 10 năm, nhưng trong tình trạng sức khoẻ tồi và/hoặc bị phụ thuộc về mặt chăm sóc y tế. Ví dụ đơn giản: trước đây 70 tuổi ngoẻo; bây giờ sống đến 70 tuổi tạm khoẻ, sau đó sống 10 năm ngất ngưởng trong bệnh tật, rồi 80 tuổi mới ngoẻo.
Với cá nhân tớ, việc đau bệnh kéo dài còn tệ hơn cả chết.
Một điều nữa tớ rút ra sau khi đọc báo cáo trên: để có một tuổi già ổn thoả thì ta cần (1) khoẻ thể chất, (2) khoẻ tinh thần, (3) có một hệ thống hỗ trợ (đặc biệt về mặt y tế, phúc lợi xịn xò). May mắn là cả ba yếu tố này bản thân ta có thể kiến tạo được, chứ không phải “hoa rơi cửa phật vạn sự tuỳ duyên”.
Khoẻ thể chất
Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ – Bác sĩ Balvant P. Arora: “Tập thể dục là thứ gần nhất với thuốc trường sinh bất lão mà chúng ta có.”
Có lẽ không cần nhắc lại lợi ích của thể dục nữa, tớ chỉ muốn remind cậu là việc tập luyện, ăn uống một cách khoẻ mạnh nên được bắt đầu ngay từ hôm nay – khi chúng ta còn trẻ. Xin trích một câu từ cuốn Phù Sinh Lục Ký (Thẩm Phục) thay lời muốn nói: “Người ta nếu đợi đến già mới dưỡng sinh, thì có khác chi đến lúc nghèo túng rồi mới tích luỹ, dẫu có chăm chỉ thế nào cũng chẳng đủ.”
Khoẻ tinh thần
Không khó để tìm ra những nghiên cứu khoa học uy tín cho thấy sự liên quan giữa hoạt động trí óc liên tục và độ khoẻ của não khi về già. Một người về hưu chỉ quanh quẩn xem ti vi cả ngày sẽ nhanh chóng có các triệu chứng suy giảm khả năng thần kinh (cognitive capacities) hơn hẳn một người tiếp tục viết lách, hay tham gia các hoạt động thiện nguyện, tổ chức địa phương.
Vậy lời khuyên ở đây là gì? Về già thì tìm việc mà làm, những việc có ý nghĩa và kích thích não mình xử lý thông tin ở cường độ cao ấy. Não không được kích thích liên tục sẽ “thoái hoá” nhanh lắm nha.
Hệ thống hỗ trợ
Đến mục này, mọi sự chung quy là xoay quanh hai từ: tiền và sự chuẩn bị.
Đầu tiên là cố gắng kiếm tiền và chuẩn bị tiền hưu trí cho bản thân. Nhưng đừng bán mạng kiếm tiền, đừng để đến lúc có tiền rồi lại không còn sức khoẻ để tận hưởng đống tiền đó.
Tiếp nữa là mua bảo hiểm. Thật. Nếu cậu không phải thuộc top 5% giàu có hay top 5% nghèo khổ trong xã hội này, thì bảo hiểm sức khoẻ với bảo hiểm nhân thọ thực sự là yếu tố sống còn quyết định sức khoẻ tài chính của cậu và những người phụ thuộc vào cậu ấy (ba mẹ, con cái…).
Mỗi ngày thức dậy mà chưa có bảo hiểm nhân thọ sẽ giống như bước chân lên Titanic mà không trang bị (đủ) phao cứu sinh ấy. Ngày thường, mình có thể “chẹp chẹp, sao mình tốn tiền mua đống phao ấy nhỉ?”, nhưng thử một tảng băng trôi thình lình xuất hiện giữa đêm xem. Mà bệnh tật, tai nạn… trong thế giới này có khác gì băng trôi, khi nào nó muốn xuất hiện thì xuất hiện thôi à, làm gì thèm báo mình trước.
Lời kết
Câu chuyện già hoá dân số ở Việt Nam chắc cũng chẳng phải lần đầu cậu nghe nhỉ? Theo Tổng Cục thống kê, dự tính đến năm 2069, Gen Z (lúc đó khoảng 59-73 tuổi) sẽ thuộc về nhóm 27.11% dân số Việt Nam là người cao tuổi. Và xu hướng này đặt ra một thách thức lớn cho Việt Nam về một hệ thống an sinh xã hội có khả năng hỗ trợ người cao tuổi sống khoẻ về cả thể chất và tinh thần.
Nhưng tớ không nghĩ chúng ta muốn phó mặc 1/3 cuộc đời của mình vào hệ thống an sinh xã hội, hay lòng hiếu thảo của con cái (nếu có) đâu nhỉ?
Tớ đã và đang chuẩn bị cho một bức tranh tuổi già lý tưởng: Không bệnh. Không nghèo. Không chây ỳ.
Còn cậu thì sao?