Bốn bí mật của sự nghiệp Wabi Sabi

Người ta thường hình dung sự nghiệp như một đoạn thẳng, bắt đầu dưới thấp, kết thúc trên cao. Nhưng trong một cuộc đời bất toàn, vô thường và dang dở (imperfect, impermanent, incomplete), mấy người đủ may mắn để có đường sự nghiệp thẳng băng như vậy?

Bài viết này dành riêng cho những bạn còn ít nhiều “loay hoay” trong hành trình sự nghiệp (giống như tớ). Lấy cảm hứng từ Wabi Sabi – Beth Kempton (một cuốn sách về triết lý sống wabi sabi của người Nhật), mỗi bài viết kể về một điểm nhìn mới, lạ so với những gì chúng ta đã quen nghe cả chục năm nay về hai chữ “sự nghiệp”.

Wabi Sabi (định nghĩa sơ lược) = tinh thần chấp nhận và trân trọng tính chất bất toàn, vô thường và dang dở (imperfect, impermanent, incomplete) vốn có của cuộc sống; tôn vinh phong cách sống chậm, tối giản, và hoà mình vào tự nhiên.


PHẦN 1

“Although we tend to think about a career as a linear thing, wabi sabi reminds us that life is cyclical, and we can have more than one ‘career’ in our lifetime.”

(”Chúng ta có xu hướng nghĩ về sự nghiệp như một thứ gì tuyến tính, nhưng triết lý wabi sabi nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống diễn ra theo các chu kỳ, và thực ra chúng ta có thể có nhiều hơn một ‘sự nghiệp’ trong cuộc đời mình.”)

Người ta thường hình dung sự nghiệp như một đoạn thẳng, bắt đầu dưới thấp, kết thúc trên cao. Nhưng trong một cuộc đời bất toàn, vô thường và dang dở, mấy người đủ may mắn để có đường sự nghiệp thẳng băng như vậy?

Vì thế giới luôn luôn thay đổi, và vì vẻ đẹp của cuộc sống nằm ở chính tính chất bất toàn, vô thường và dang dở của nó, nên kể cả cậu đang ở giai đoạn nào trong sự nghiệp, thì hãy nhớ: cậu có quyền cảm thấy bất an, có quyền cảm thấy không chắc chắn về sự nghiệp hiện tại, và có quyền thay đổi. Những điều đó đều rất đỗi bình-thường, hợp-tự-nhiên.

Thực ra ta không cần biết trước mọi đáp án, hay lên kế hoạch cho mọi tình huống có thể xảy ra, đơn giản vì điều đó là bất khả. Thay vào đó, ta có quyền khám phá và thử nghiệm trong sự nghiệp của mình. Khi dấn thân vào khám phá, ta sẽ gặp những điều không lường trước, những bất ngờ theo hướng thuận lợi cũng có, thử thách cũng có. Khi dấn thân vào thử nghiệm, ta sẽ nhận được kết quả đúng, sai.

Ví dụ, mọi người hay ca tụng lộ trình Management Trainee – với cơ hội rotation (luân chuyển nhiều phòng ban) trước khi quyết định chọn một lĩnh vực chuyên môn – là hay, là tốt. Bản chất của rotation chẳng phải cũng là khám phá – thử nghiệm đó sao?

Vậy có bất công không khi một bạn MT khám phá – thử nghiệm thì xã hội coi là “đa dạng trải nghiệm”, mà những bạn trẻ non-MT tự khám phá – thử nghiệm các công việc khác nhau thì xã hội lại gọi là “lông bông”? Miễn tâm ta rõ bản thân đang khám phá – thử nghiệm để hướng đến mục tiêu gì (chọn được lĩnh vực phù hợp/ tìm môi trường làm việc tốt/ …), chẳng phải nỗ lực nào cũng đáng quý sao?

Tìm đường để có một sự nghiệp chất lượng là tốt, nhưng không cần so sánh bản thân với một chuẩn mực hoàn hảo nào đó, rồi tự tạo áp lực không lành mạnh.

Tóm lại, nếu cậu đang ở giai đoạn bắt đầu sự nghiệp, và đang băn khoăn mình nên chọn đường gì, đi hướng nào, hoặc hướng đi mình chọn liệu có chính xác không, thì đầu tiên, hãy nhớ rằng: Cảm giác không-chắc-chắn như vậy là chuyện hợp-tự-nhiên với tính chất bất toàn, vô thường và dang dở của cuộc sống.

Vững tâm rồi, thì khi lên kế hoạch hành động, cứ nhớ rằng: Ta có quyền được khám phá và thử nghiệm trong sự nghiệp của mình, nhé.


PHẦN 2

“You have to let go of the need to have all the answers or a “perfect” picture of the future before playing your part in creating it.”

(“Đừng đợi đến khi đã biết mọi đáp án, hay khi đã nhìn thấy cả bức tranh vị lai đầy đủ, mới bắt tay vào việc xây dựng tương lai của mình.”)

“Linh, sao em nộp hồ sơ ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế, chứ không phải một ngành khác như Marketing, Du lịch, Tài chính Kế toán…?” – Đó là câu hỏi tớ nhớ nhất từ buổi phỏng vấn học bổng BUV 6 năm trước. (Quản trị Kinh doanh Quốc tế = ngành học tại BUV – trường Đại học Anh quốc Việt Nam, cung cấp kiến thức tổng quan về kinh doanh, mỗi mảng học một ít, không quá đi sâu vào chuyên môn mảng nào.)

Tớ không phải đứa may mắn sinh ra đã biết mình đam mê gì, lớn lên làm nghề gì. Hồi nhỏ xíu, ước mơ của tớ từng là trở thành ca sĩ, nhà thiết kế thời trang; nhưng rồi ở thời điểm quyết định – trước thềm đại học, thì chính thức tớ chẳng biết mình muốn gì.

Và ở buổi phỏng vấn năm ấy, tớ đã chọn nói thật: “Em chọn Quản trị Kinh doanh Quốc tế vì em chưa rõ sau này mình muốn làm gì: Tài chính? Marketing? Nhân sự? Sales? … Chương trình học em mong muốn là một chương trình giúp em khám phá tất cả các khía cạnh của công việc kinh doanh, để đến khi kết thúc 3 năm đại học, em có đủ thông tin để quyết định mình sẽ theo mảng nào.”

Năm ấy, tớ nhận học bổng toàn phần. Chứng tỏ cách tiếp cận thử – sai trên của tớ không tệ, phải không?

Năm ấy, tớ không có tất cả đáp án cho bản thân, nhưng không vì thế mà delay việc kiến tạo tương lai.

Nếu xây tương lai cũng giống như xây nhà, thì không phải ai cũng có sẵn một mảnh đất cố định (do gia đình truyền lại; do bản thân đã mua từ lâu…). Nhiều khi, ta cần cho bản thân thời gian khảo sát nhiều địa điểm trước khi chốt một mảnh để xây. Việc khảo đất đó cần được coi là một phần chính thức, có ý nghĩa quan trọng của kế hoạch xây dựng.

Vì vậy, nếu cậu đang trong quá trình khảo đất như tớ ngày xưa, hãy kiên nhẫn với bản thân mình nhé. Cậu đang làm một việc quan trọng, một việc có ý nghĩa. Cậu đang chính thức ở trong quá trình xây nhà rồi. Với trải nghiệm và kiến thức cậu thu được sau mỗi lần thử – sai, cậu đang tiến bộ mà.

Tóm lại, không phải lúc nào ta cũng đợi có kế hoạch tỉ mỉ rồi mới bắt tay làm. Đôi khi, ta cần tinh thần dấn thân để kiến tạo tương lai, kể cả khi bản thân chưa rõ mọi đáp án.


PHẦN 3

Thế giới VUCA yêu cầu chúng ta mang cái-tâm-mở trong hành trình sự nghiệp…

Ngày mới đi làm huấn luyện, tớ đã hình dung sự nghiệp mình sẽ đi lên từ việc trau dồi kỹ năng đứng lớp, đứng thật nhiều chương trình từ cơ bản đến nâng cao, cho đến khi đạt vị trí trưởng bộ phận. Nhưng rồi rotation vòng vòng theo lộ trình Management Trainee, tớ học được: “làm training” không chỉ có một đường đứng lớp. Thực tế, tớ có nhiều hướng phát triển khác khai thác thế mạnh bản thân tốt hơn: thiết kế chương trình, quản lý hệ thống học tập, quản lý chất lượng… Hình dung của tớ về đường sự nghiệp vì thế cũng thay đổi hẳn.

Xưa hơn nữa, tớ từng lên kế hoạch học trường chuyên ⇒ thi học sinh giỏi quốc gia ⇒ đỗ một trường đại học công lập hàng đầu. Thế rồi giữa đường, phát hiện học đại học quốc tế phù hợp với mình hơn, tớ đá luôn việc ôn thi tốt nghiệp THPT ra chuồng gà để tập trung cho hồ sơ học bổng trường Bờ (BUV).

Tớ biết nhiều anh chị làm MNC đến chức vụ quản lý, giám đốc, rồi nghỉ ngang để trở thành coach, đi theo một con đường phù hợp với hệ giá trị của các anh chị hơn.

Thế mới nói, đường học, đường làm, không phải kế hoạch cứ vẽ ra là sẽ chạy y vậy.

“When we relax into the knowledge that our careers are dynamic, not static, we open ourselves up to unknown possibilities.” Khi ta hiểu, và tự tin rằng sự nghiệp là một cái gì “động” chứ không phải “tĩnh”, ta sẽ mở tâm ra đón nhận những cơ hội mới; nhiều khi bất ngờ lại xuất hiện một hướng đi triển vọng hơn dự định ban đầu.

Thế giới VUCA yêu cầu chúng ta mang cái-tâm-mở trong hành trình sự nghiệp. Biết đâu đấy sau này, ta lại làm một công việc mà giờ còn chưa tồn tại, nhỉ? Hãy cứ lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình, nhưng lên kế hoạch với một cái-tâm-mở, nhé.


PHẦN 4

“Adopt a career philosophy, not a single career goal.”

Ở những phần trước, tớ có chia sẻ: ta nên nhìn đường sự nghiệp với cái tâm mở. Ừa, nhưng không có hướng đi làm sao ta biết mình đi đâu? Nhỡ đi lòng vòng mất thời gian thì sao?

Một cách để chúng ta dung hoà “cái tâm mở” và “đi đúng hướng” TRONG DÀI HẠN chính là: “ADOPT A CAREER PHILOSOPHY, NOT A SINGLE CAREER GOAL” – Xây dựng một triết lý sự nghiệp, chứ không chỉ đặt ra một mục tiêu sự nghiệp đơn lẻ.

Ví dụ về Career philosophy (triết lý sự nghiệp) vs. A single career goal (mục tiêu sự nghiệp đơn lẻ):

  • “Làm gì thì làm, làm chủ là được“ vs. “Start-up thành công 1 công ty tech triệu đô”
  • “Làm gì thì làm, nhiều tiền là được” vs. “Trở thành trưởng phòng kinh doanh”
  • Với tớ thì là: “Làm gì thì làm, làm những việc thúc đẩy bản thân và người khác phát triển là được” vs. “Đỗ MT ngành HR”

Career philosophy giống như chiếc la bàn, chỉ cho chúng ta hướng đi trong dài hạn, mặc kệ trước mắt có nhiều sương mù từ thế giới VUCA.

Đây cũng là hướng tiếp cận tớ đã, đang sử dụng. Base sự nghiệp trên một philosophy, tớ cảm thấy vững tâm hơn trước rất nhiều biến chuyển trong công việc, trong công ty, trong ngành, trên thế giới những năm gần đây. Không quan trọng sau này tớ làm training, HR, content creator, hay một công việc giờ còn chưa xuất hiện, miễn nó phù hợp với career philosophy của tớ là được.

Thay lời kết, tớ sẽ trích một câu nhân vật Như Ý (phim “Hậu Cung Như Ý Truyện”) đã nói ngay trước thời điểm nàng được sắc phong Hoàng hậu: “Thần thiếp có lẽ không nhìn rõ con đường phía trước, nhưng nhìn rõ con tim mình.”  Ta nhìn vào trong, ta biết mình muốn gì trước, rồi sự nghiệp hay cuộc sống, cứ đi là sẽ đến thôi.


Hết.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top