“Bạn không làm được đâu…”

Năm cuối đại học, tớ tham dự một buổi tư vấn hướng nghiệp 1-1. Sau vài câu chia sẻ về kết quả học tập và kinh nghiệm làm việc, hoàn thành bài kiểm tra xu hướng tính cách D.I.S.C, cô bé sinh viên ngày ấy bắt đầu được “tư vấn” về sự nghiệp

Tớ sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc khi tớ vừa dứt câu “Em đặt mục tiêu trở thành Management Trainee (MT) tại một công ty đa quốc gia,” thì người tư vấn (chưa từng gặp tớ lần nào trước đó) đã tạt ngay một gáo nước lạnh: “Không, em không trụ nổi trong môi trường tập đoàn đâu.”

Tớ còn đang á khẩu, thì chị ấy tiếp tục: “Chị nói thật, kể cả em có may mắn đỗ một chương trình MT, thì em cũng không trụ nổi đến hết chương trình đâu…”

Bước ra khỏi phòng tư vấn ngày hôm đó, Linh của tuổi 21 không mang gì về nhà ngoài cảm giác hoang mang tột độ và sự tự tin giảm còn một nửa.


Gần đây, tớ biết đến một nghiên cứu của Samir Nurmohamed về sự liên hệ giữa kỳ vọng (từ người khác) và kết quả thực tế mình đạt được (*). Theo Nurmohamed, khi người A đánh giá thấp ta – nói rằng “Ôi bạn không làm được điều này đâu” – sẽ có 2 trường hợp xảy ra.

Trường hợp 1: Nếu ta coi A là một người có uy tín, và ý kiến của A đáng để cân nhắc, kỳ vọng thấp từ A sẽ làm giảm kết quả thực tế của ta. ⇒ Phù hợp với hiệu ứng Golem, hoặc Lời tiên tri tự ứng nghiệm.

Trường hợp 2: Nếu ta KHÔNG coi A là một người đủ uy tín, và ý kiến của A không thực sự đáng cân nhắc, kỳ vọng thấp từ A sẽ làm ta sẽ cố gắng hơn để chứng minh rằng A đã sai. Điều này nghĩa là: Kỳ vọng thấp có thể lại làm gia tăng kết quả đạt được. ⇒ Hiệu ứng underdog.


Quay lại câu chuyện ở đầu bài, cậu tò mò điều gì xảy ra sau buổi tư vấn hướng nghiệp đó không? Linh của tuổi 21 đã mất vài tuần để suy xét về nhận định của vị chuyên gia tư vấn đó, về việc liệu MT có phải con đường phù hợp hay không.

Tua nhanh đến 4 năm sau, tớ đã đỗ MT, tốt nghiệp thành công chương trình MT, và giờ vẫn đang hạnh phúc với một công việc tại tập đoàn. Sau cùng thì, Trường hợp 2 đã xảy ra với tớ.

Trường hợp 2: Nếu ta KHÔNG coi A là một người đủ uy tín, và ý kiến của A không thực sự đáng cân nhắc, kỳ vọng thấp từ A sẽ làm ta sẽ cố gắng hơn để chứng minh rằng A đã sai.

Lúc đó, sau vài tuần suy xét, tớ đã kết luận rằng: một nhận định đưa ra vội vàng, chỉ dựa trên một vài phút trao đổi một bài kiểm tra tính cách, đưa ra bởi một người không biết tớ, không hiểu tớ, thì không phải là một nguồn thông tin chất lượng để đánh giá khả năng và tiềm năng của mình.

Nhưng mà thú thật, trong suốt quãng thời gian thi MT, thậm chí trong những năm đầu làm MT, thỉnh thoảng, tớ vẫn nghĩ về buổi hướng nghiệp đó, về những dự đoán rằng tớ sẽ thất bại. Phải đến tận ngày hôm nay, sống sót trong môi trường tập đoàn được 4 năm, tớ mới dám thở hắt ra rằng nhận định của người tư vấn đã sai.


Nghĩ về nghiên cứu của Nurmohammed, và nghĩ về buổi tư vấn hướng nghiệp ngày xưa, tớ tự rút ra một số lưu ý khi đưa và nhận ý kiến.

Ở vai người đưa ý kiến: Luôn nhớ rằng dữ liệu mình đang có về một vấn đề có thể chưa đủ/ chưa đúng, nên nhận định của mình cũng có thể chưa chính xác. Vì vậy, ta cần (1) cố gắng thu thập càng nhiều dữ liệu chất lượng càng tốt, và (2) lựa cách diễn đạt phù hợp khi đưa ý kiến.

Ở vai người nhận ý kiến: Luôn nhớ rằng nhận định từ người khác đưa ra có thể không đủ dữ kiện, và là góc nhìn từ cá nhân họ, chưa chắc là sự thật tuyệt đối. Trước khi suy xét ý kiến của người khác, nên xác định xem người đưa ý kiến là ai, mục tiêu của họ khi đưa ý kiến là gì, độ uy tín của họ đến đâu đối với lĩnh vực họ đang đưa ý kiến.

Còn cậu thì sao? Thông điệp cậu rút ra là gì?


(*) Nghiên cứu “The Underdog Effect: When Low Expectations Increase Performance” – Samir Nurmohamed: https://journals.aom.org/doi/abs/10.5465/amj.2017.0181

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top