Tớ vẫn nhớ như in cái ngày mình gặt hái thành tích lớn đầu tiên: giải Nhất Toán cấp quận năm lớp 3. Đó là giải thưởng (học thuật) cao nhất mà một học sinh lớp 3 có thể đạt được thời đó. Oách lắm!
Năm ấy, đề thi có một câu tự luận chiếm nhiều điểm nhất, hỏi về tuổi của hai chị em Hà. Lúc đọc đề, tớ hơi choáng. Nhưng sau khi lấy lại bình tĩnh, tớ nhận ra câu chuyện chị em Hà chỉ là lớp vỏ ngụy trang, bản chất bài toán vẫn là dạng toán đặt ẩn số (đặt x) quen thuộc mà chúng tớ đã được luyện tập đến mòn mông.
Thế mà, không phải ai cũng nhìn ra được “lớp ngụy trang” ấy. Có bạn bỏ cuộc, có bạn loay hoay với những cách giải khác không tối ưu bằng phương pháp đặt ẩn số. Còn tớ thì may mắn “bóc tách” được ra vấn đề gốc rễ, và giành trọn điểm câu đó.
Càng lớn, tớ càng nhận thức được rằng: việc “bóc tách lớp ngụy trang” không chỉ áp dụng trong toán học, mà còn là một thói quen cực kỳ hữu ích trong phản tư và thấu hiểu bản thân.
Gần đây, mỗi khi nhận diện được một cảm xúc – dù tích cực hay tiêu cực – tớ đều tự hỏi: “Vì sao mình cảm thấy như vậy?”.
Ví dụ, khi thấy hạnh phúc, ta có thể “bóc tách” để tìm ra cội nguồn của sự hạnh phúc đó. Từ đây, ta hiểu rõ hơn những giá trị mình trân trọng, và có thể chủ động làm thêm những việc khiến bản thân hạnh phúc trong tương lai.
Tương tự, khi cảm thấy bồn chồn, ta có thể tự hỏi: “Vì sao mình thấy bồn chồn thế này?” Câu trả lời thường sẽ là: vì vấn đề đó quan trọng với ta. Vậy ta đã làm hết những gì có thể để tác động đến kết quả chưa? Nếu chưa, hãy hành động đi! Đừng để sự bất an gặm nhấm mình khi ta vẫn còn có thể làm gì đó. Còn nếu rồi, thì hãy hít một hơi thật sâu. Ta đã làm hết sức mình; giờ đây, kết quả không còn nằm trong tầm kiểm soát của ta nữa.
Khi ta thấy bất mãn, thử hỏi bản thân “Vì sao mình thấy bất mãn?” xem. Tớ tin rằng câu trả lời sẽ giúp cậu xác định được hai điểm: (1) những giá trị cốt lõi của bản thân; (2) cách cậu đang đánh giá và nhìn nhận tình huống hiện tại. Từ những dữ liệu này, cậu có thể hiểu sâu hơn về chính mình, và thậm chí thách thức những nhận thức cố hữu ở sâu trong não.
“Vì sao mình cảm thấy như vậy?” – câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy lại là chìa khóa giúp ta “bóc tách” những lớp lang cảm xúc và niềm tin phức tạp bên trong. Từ đó, ta có thêm dữ liệu để hành động, và xa hơn nữa, để kiến tạo một cuộc sống chuẩn như ý mình.
Được rồi. Ngay bây giờ, hiện diện trong cậu là (những) cảm xúc gì? Vì sao cậu cảm thấy như vậy?