“Thử đi, mất gì đâu.”

Tớ vẫn nhớ như in cái ngày cách đây 3 năm, sếp lớn gọi tớ vào hỏi có muốn hỗ trợ chị quản lý một dự án siêu to khổng lồ không.

Lúc đó, đầu óc tớ rối như tơ vò. Háo hức không? Có chứ. Và áp lực thì cũng có luôn, vì mới đi làm được 2 năm, tớ không chắc bản thân có khả năng đảm nhận công việc đó không.

Là một đứa vốn cẩn trọng – chỉ “chơi” rủi ro có tính toán (calculated risk), chứ không lao mình vào mọi cơ hội như con thiêu thân – tớ đã xin phép sếp cho một ngày để suy nghĩ kỹ trước khi phản hồi.

Bước ra khỏi phòng sếp, 7749 suy nghĩ chạy rần rần trong đầu tớ. Quản lý dự án thì từng làm rồi đấy, nhưng một dự án lớn, liên phòng ban, stakeholders toàn các anh chị quản lý cấp cao (thậm chí C-level), thì lại là thử thách ở một cấp độ khác. Liệu tớ có đủ khả năng?

Nhưng rồi tớ bình tĩnh lại. Sếp đã tin tưởng giao việc này cho tớ, chắc chắn có lý do. Tớ biết mình được các anh chị đồng nghiệp trong team đề cử, chứ không phải tự dưng. Và khi gọi tớ vào như thế, bản thân sếp – một lão làng hàng chục năm lăn lộn trong ngành – cũng phải có đánh giá rồi.

Tớ tự nhủ: Không thử làm sao biết mình có thể làm được đến đâu? Không đi thì làm sao đến?

“Thử đi, mất gì đâu.” Nghĩ vậy, tớ quyết định nhận lời.

Và rồi, hành trình ấy đã thay đổi cuộc đời tớ. Tớ học hỏi được rất nhiều điều, cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Đến giờ, đó vẫn là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tớ.


“Thử đi, mất gì đâu” hoặc “Here goes nothing” là cách cá nhân tớ tiếp cận những cơ hội khó nhằn, và tớ không biết bản thân liệu có làm tốt được hay không.

Tớ sẽ tự hỏi mình “trường hợp tệ nhất có thể xảy ra ở đây là gì?”. Và thường thì trường hợp tệ nhất sẽ là: bản thân công việc không thành, nhưng tớ học được điều gì đó đáng giá.

Nếu cậu đang phân vân trước một cơ hội mới, hãy thử áp dụng cách nghĩ này nhé. Biết đâu, cậu sẽ tìm thấy những điều bất ngờ đấy!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top