Gần đây tớ phải xử lý một trường hợp bất ổn tại chỗ làm: một đồng nghiệp A có những kỳ vọng và đòi hỏi vô lý, yêu cầu team tớ phục vụ.
Cảm xúc ban đầu của tớ là cáu và thấy khó hiểu. “Bị gì vậy trời?”. Nhưng rồi khi bình tĩnh lại, tớ nhận ra: thực tế, A đủ bận rồi; A không rảnh để tìm cách làm khó tớ; A chỉ đang muốn có được những gì tốt nhất thôi. Là người, ai chẳng muốn những gì tốt nhất?
Có thể, thông tin được truyền tải đến A đã không đúng từ ban đầu, tạo ra những kỳ vọng quá cao. Có thể, A không biết đòi hỏi đến mức nào là hợp lý. Có thể, A không hình dung được yêu cầu như vậy sẽ ảnh hưởng đến team tớ như thế nào… Có thể có 7749 lý do, nhưng chắc chắn A không chủ tâm muốn làm khó tớ.
Cái kết của câu chuyện là: Tớ tìm cách xử lý cho ổn thoả mọi bên, rút kinh nghiệm cho những lần tiếp theo, và không giữ cảm xúc tiêu cực cá nhân nào với A cả.
Cái mindset tớ nhắc đến ở đây là: luôn mặc định người khác không có ý xấu (thành ngữ trong tiếng Anh là “give somebody the benefit of the doubt”). Trong môi trường công sở, họ chỉ đang muốn điều gì tiện nhất, tốt nhất cho bản thân, cho tập thể của họ thôi.
Thú thực thì, tất cả chúng ta đang đi làm để kiếm cơm thôi mà. Người ta hay nói vui là: “nghề chọn người, chứ người ai chọn đi làm?” ấy.
Để hãm hại người khác, người ta cần suy nghĩ, lên kế hoạch, bỏ công bỏ sức nhiều lắm, như cậu thấy trong phim cung đấu ấy. Mà thời đại này thì người ta lo cho bản thân, gia đình còn không kịp, nữa là rảnh rỗi tính kế mình.
Mindset này giúp cuộc sống công sở của tớ dễ thở hẳn.
Khi một đồng nghiệp không hợp tác, não tớ sẽ tự động nghĩ xem điều gì đang cản trở họ, rồi tìm cách gỡ nút thắt đó để xong được việc của mình. Họ đang có các ưu tiên khác? Sếp họ không quan tâm hoặc ủng hộ việc mình đang làm? Quy trình nội bộ của họ yêu cầu phải thực hiện 7749 bước lê thê? Hoặc đơn giản là, họ chưa hình dung được vì sao họ phải hợp tác, nếu không hợp tác thì gây ra hậu quả lớn đến đâu?
Tất nhiên, không phải mình nghĩ vậy thì thực tế người ta luôn tốt vậy. Tớ muốn nhấn mạnh ở đây rằng: Người thụ hưởng lớn nhất của mindset này là chính mình. Với mindset này, tỷ lệ làm-được-việc của ta sẽ cao hơn (vì mình tập trung gỡ nút thắt, tìm giải pháp mà), trong khi ta vẫn giữ được tinh thần thoải mái, thấy mọi người xung quanh đáng yêu, thấy cuộc sống công sở dễ thở.
Thực ra, tớ hiểu bản thân giữ được mindset này là vì (trộm vía) tất cả các môi trường công sở tớ từng trải nghiệm, từ khi thực tập đến khi đi làm chính thức, đều căn bản có văn hoá tích cực.
Cậu hãy xem bài viết này là một góc nhìn tham khảo thôi, nếu áp dụng được thì áp dụng, không thì… biết vậy, để đó thôi cũng ổn.