Đã bao giờ cậu đọc một quyển sách mà nhiều người khen nức nở, nhưng bản thân cậu lại không cảm nổi chưa? Có lẽ, đây là trải nghiệm mà đứa mọt sách nào cũng kinh qua ít nhất một lần, nhỉ?
Trước đây, nếu đang đọc dở một cuốn sách nổi tiếng mà bắt đầu thấy ngán, việc đầu tiên tớ hay làm là… lên mạng đọc review sách. Đọc bài review nào cũng thấy khen cuốn sách đó nức nở, thế là tớ cố đọc tiếp, vì FOMO (*), vì sợ rằng “nhỡ đâu phần còn lại của quyển sách có gì hay ho”.
Nhưng rồi, chưa lần nào tớ nuốt được đến trang cuối của mấy cuốn đó.
(*) FOMO: fear of missing out, nỗi sợ bỏ lỡ
Nếu có một điều tớ học được sau gần chục năm làm mọt sách, đó sẽ là: Phàm cái gì thuộc về phạm trù “thưởng thức” (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng), ai cũng có “khẩu vị” riêng.
Ví dụ, Thinking, Fast and Slow (Tư Duy, Nhanh Và Chậm) của tác giả Daniel Kahneman là sách gối đầu giường của khá nhiều người, nhưng tớ lại bỏ giữa chừng. Lý do đơn giản là quyển này đến với tớ muộn quá; trước đó, tớ đã tiếp xúc với khá nhiều tài liệu về tâm lý học cơ bản rồi, nên hầu như không học được gì mới từ cuốn sách này. Chưa kể, tớ cũng không cảm được đống American assumptions (giả định đặc chất người Mỹ) ẩn trong sách nữa.
Việc không ngấm nổi một cuốn sách, bộ phim, địa điểm, món ăn… không phải cái tội. Cậu có khẩu vị riêng của cậu. Cậu tôn trọng khẩu vị của người khác, và người khác cũng cần tôn trọng khẩu vị của cậu.
Cố đọc một quyển sách nổi tiếng mà mình không thích; cố đến một địa điểm ai cũng bảo vui nhưng mình không thấy vui; cố ăn một món nức tiếng nhưng mình chẳng thấy ngon… thực sự chỉ tốn thời gian, và suy cho cùng chẳng mang lại lợi lộc gì cho mình cả.
Nếu cậu đang ép bản thân đọc một quyển sách cậu không cảm nổi, thì mạnh dạn buông đi nào. Thế giới còn nhiều thứ hay ho, hợp gu, đang chờ cậu khám phá đó.