Có một thời gian ở Sài Gòn, cuộc đời tớ không có gì ngoài routine: sáng ra khỏi nhà, đến lớp yoga, làm việc văn phòng, 6h tối xách cặp đi về. Tớ đã rất băn khoăn là mình có đang trở thành cái máy hay không.
Về cảm nhận, tớ vẫn thấy cuộc đời thú vị. Mỗi sáng, trên đường đi làm, tớ đều ngóng đến đoạn được phi xe dưới tán cây của công viên Tao Đàn, và tận hưởng chiếc view đẹp ná thở nếu chỉ ngẩng đầu lên một chút. Tớ vẫn cảm thấy bản thân đang lớn lên từng ngày từ việc đọc sách, nghe podcast, xem phim…
Nhưng nếu đếm trên hành động, thì mỗi ngày, mỗi tuần, gần như tớ chỉ thực hiện đúng cái routine đó.
Vì sao thế nhỉ? Tớ có đang sống không? Hay chỉ đang tồn tại như một cái máy và bằng lòng với việc thả trôi như vậy?
Trong tập podcast Have A Sip với chú Hoàng Nam Tiến, tớ có bắt được một ý tưởng hay ho thế này:
Để biết mình đang sống hay chỉ đang thả trôi vô mục đích, ta chỉ cần tự hỏi: “Tuần rồi mình có câu chuyện gì đáng để kể không nhỉ?”
Ví dụ nhé:
Nếu chỉ đếm trên hành động, cả tuần rồi cậu đọc sách hay cả tuần rồi cậu nằm lướt TikTok chẳng nói lên được gì cả.
Nếu cậu lướt TikTok và không đọng lại gì trong đầu thì là thả trôi không mục đích rõ rồi. Nếu cậu đọc sách – tưởng hay ho, trí thức, cao cấp đấy – nhưng nếu đọc xong không nhớ sách viết gì, thì cũng tính là thả trôi mà thôi.
Ngược lại, nếu cuối tuần, cậu có thể vui vẻ kể lại được với bạn bè, hoặc nhật ký rằng: “Ê, tuần này, tớ mới học được một fun fact về Mông Cổ hay cực”, thì không cần biết cậu nhớ được thông tin đó từ TikTok hay sách, tuần rồi cậu đã sống, chứ không hề thả trôi.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng giống như những thước phim trên TikTok hay Instagram, khi mà ta liên tục khám phá những vùng đất mới, tận hưởng những trải nghiệm thay đổi cuộc sống. Có những khoảng thời gian, với nhiều người có thể là hầu hết thời gian, chúng ta quay trong cái vòng sáng đi tối về.
Nhưng mà, trong lúc ở trong routine như vậy (để chuẩn bị cho những cơ hội khám phá, học tập, chuyển mình dài hơn hơn), cậu chỉ cần chịu khó quan sát thêm một chút, phản tư thêm một chút. Nhiều khi, ta không cần thực hiện những hành động đao to búa lớn. Quan trọng là câu chuyện ta nghiệm được sau đó đủ sâu sắc.
Vấn đề không nằm ở cậu làm cái gì, mà cậu nhớ được, học được gì từ những cái cậu làm cơ.