Từ hai nhà leo núi Joe Simpson và Simon Yates…
Năm 1985, Joe Simpson và Simon Yates đã leo lên đỉnh núi Siula Grande ở Peru, cao khoảng 6400m.
Khi đang xuống núi, Joe bị ngã và gãy chân phải, nghiêm trọng đến mức xương bắp chân chọc vào khớp gối. Những suy nghĩ kinh khủng nhất tràn ngập tâm trí anh. “Xong, cuộc đời coi như đứt.”
Joe và Simon hoàn toàn đơn độc giữa một ngọn núi phủ đầy tuyết. Không có ai ở xung quanh. Họ không thể kêu cứu. Simon cũng không thể nào vác Joe và trèo xuống được. Thức ăn và nước uống đang cạn dần. Nếu không xuống núi nhanh, cả hai đều không thể sống sót.
Nếu là người khác, có khi họ đã hoảng lên và bỏ cuộc rồi. Nhưng Joe và Simon nghĩ ra một kế hoạch:
- Họ kiểm tra lại dụng cụ và thấy mỗi người có hai sợi dây thừng dài 50m; nếu buộc chúng lại với nhau, họ sẽ có một sợi dây dài 100m.
- Về mặt lý thuyết, Simon có thể buộc mình vào một đầu và Joe ở đầu kia.
- Simon (lành lặn) sẽ neo vào một điểm, hạ Joe (gãy chân) xuống hết chiều dài dây thừng, rồi Joe có thể đứng trụ tại đó bằng cái chân lành còn lại.
- Sau đó, Simon sẽ trèo xuống chỗ Joe.
- Nếu cứ lặp đi lặp lại việc này thì, về mặt lý thuyết, hai người có thể xuống được núi.
Thế là Joe và Simon quyết định biến phần hành trình xuống núi thành một trò chơi. Ở mỗi thời điểm, họ dồn toàn sự tập trung vào gờ đá tiếp theo, sườn dốc tiếp theo, từng bước một, như thể họ đang clear từng level trong một trò chơi.
Và họ đã xuống núi thành công.
Joe kể lại: “Chúng tôi cứ lặp đi lặp lại một chuỗi hành động. Tập trung vào đó, tôi bắt đầu cảm thấy tách biệt khỏi môi trường xung quanh. Tôi chẳng nghĩ gì ngoài động tác tiếp theo hết.” Cách nghĩ như vậy đã biến cuộc vật lộn của anh thành một trò chơi, giúp anh quên đi nỗi sợ, và chỉ tập trung vào việc cần làm tiếp theo.
… Đến cách xử lý khi ta cảm thấy quá tải
Trước đây, tớ từng chia sẻ về việc: Khi có quá nhiều việc, cậu chỉ cần chọn 1 task duy nhất, làm xong nó, rồi lại chọn một task duy nhất tiếp theo, và lặp lại cho đến khi nào cậu thấy ổn thì thôi (đọc bài viết TẠI ĐÂY).
Nhưng mà gần đây, tớ nhận ra: Cách tiếp cận này có thể áp dụng cho cuộc sống nói chung luôn, chứ không chỉ trong công việc.
Cậu đã bao giờ trải qua những giai đoạn mà cảm giác như mọi thứ đều ập đến cùng lúc chưa? Sức khoẻ bất ổn, công việc có mục A phải giải quyết, tình cảm có vấn đề B phải gỡ rối, ngày mai có sự kiện C, ngày mốt có kỳ thi D… Ở những thời điểm như vậy, kể cả cậu có lên kế hoạch cho mọi thứ rồi, thì cậu vẫn không ngừng cảm thấy bồn chồn, lo lắng về một vấn đề vô hình mà cậu chẳng rõ là vấn đề gì.
Giải pháp ta học được từ hai nhà leo núi Joe và Simon là: Chọn một thứ để giải quyết, tập trung cao độ vào nó (quên hết những vấn đề còn lại đi), và dùng sự tập trung đó để đánh lạc hướng bản thân khỏi nỗi sợ hoặc cảm giác bồn chồn; rồi lặp lại quá trình trên.
Ở những thời điểm nhiều thứ đồng thời ập đến, cuộc sống có thể sẽ bớt khổ sở nếu ta chịu “nghĩ ngắn lại”, và tự hỏi: Bước đơn giản nhất mình có thể thực hiện ngay bây giờ (để tiến gần hơn đến mục tiêu) là gì?