[Networking và những niềm đau] Mối quan hệ một chiều

“Mình toàn “xin” của người ta, mà chẳng có cái gì “cho lại” người ta cả. Mối quan hệ một chiều thì làm sao mà bền chặt được?”

Nếu cậu đang là sinh viên, hay mới đi làm, thì tớ cá 9/10 những workshop/ sách/ video… self-help mà cậu từng lướt qua đều nhắc đến việc phải “network” với các anh chị đi trước, để xin lời khuyên từ họ, để xin được những cơ hội công việc, cơ hội phát triển bản thân từ họ, phải không?

Nhưng – đúng rồi, bao giờ chả tồn tại chữ “nhưng” – có những tảng đá đang cản đường “networking” của cậu.

Vậy thì, từ vị trí một người đã và đang “network” với các anh chị lớn hơn, cũng như được các bạn trẻ hơn “network” cùng, tớ mạn phép dành một vài bài viết để gợi ý hướng giải quyết một vài chữ “nhưng” thường thấy trong chủ đề networking.


CHỮ “NHƯNG” SỐ 2: “Mình toàn “xin” của người ta, mà chẳng có cái gì “cho lại” người ta cả. Mối quan hệ một chiều thì làm sao bền chặt được?”

Chính xác, chẳng có mối quan hệ bền chặt nào mà chỉ có một bên mãi cho, một bên mãi nhận cả.

Các anh chị senior cho cậu kiến thức, trải nghiệm, lời khuyên. Còn cậu biết cái cậu “cho” được các anh chị senior là gì không?

Cái đầu tiên cậu “cho” được có thể đơn thuần là cảm giác họ làm được một điều tốt đẹp thôi. Cá nhân tớ thường rất vui khi các bạn trẻ hơn đặt câu hỏi cho tớ, và tớ có thể đưa ra góc nhìn của mình. Đơn giản là tớ cảm thấy hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác.

Vì vậy, nhiều khi cậu chỉ cần chú ý tôn trọng người ta khi nhờ giúp đỡ là được. Tôn trọng đơn giản lắm:

  • Tự nghiên cứu trước khi hỏi. Đừng hỏi những thứ có thể Google ra luôn.
  • Đặt những câu hỏi đủ cụ thể. Ví dụ, thay vì hỏi chung chung kiểu “Anh/chị cho em lời khuyên về việc thi Management Trainee được không?”, cậu có thể gạch đầu dòng cụ thể: “Anh/chị có tip gì để gây ấn tượng tốt trong mắt công ty trong vòng thi Assessment Center không?”; “Nếu bị hỏi vì sao em chuyển ngành, thì em nên trả lời thế nào cho khéo ạ?”…
  • Cảm ơn khi người ta chia sẻ góc nhìn.
  • Cập nhật với người ta tiến độ của những thứ cậu hỏi người ta. Ví dụ: cậu xin lời khuyên từ người ta về việc nên làm gì trong cuộc họp team tiếp theo ⇒ Khi họp team xong, cậu chỉ cần nhắn update “Hôm nay em họp xong rồi. Em đã thử làm theo điều anh/chị gợi ý…, và kết quả là…”

Cái thứ hai cậu có thể “cho” các anh chị senior là những góc nhìn mới. Người trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn thì cũng thường có những góc nhìn lạ, không rơi vào lối mòn.

Không ít lần, khi tớ nêu quan điểm trong những cuộc trò chuyện với các anh chị senior, các anh chị tự nhiên ồ à “Công nhận, anh/chị chưa bao giờ nhìn vấn đề đó từ góc như vậy.” Những người có tầm, thì càng có nhiều kinh nghiệm, người ta lại càng sợ bị “kinh nghiệm đè”, và càng cởi mở với những góc nhìn mới.

Ờm, nhưng mà để đưa ra được những góc nhìn giá trị, thì bản thân cậu cũng phải là người thú vị đã. Mà để thú vị thì, một là cậu trải nghiệm cuộc sống thật nhiều, hai là cậu trải nghiệm gián tiếp qua sách vở, phim ảnh… thật nhiều.

Đọc đến đây, cậu còn cảm thấy mặc cảm “Mình chẳng có gì để “cho” các anh chị ấy” không?


Bài viết này là một phần của series “Networking và những niềm đau”. Xem các bài viết còn lại tại: https://borntoroar777.com/tag/networking/

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top