Nên cảm thấy thế nào khi nhìn quanh thấy ai cũng “hơn” mình?

Nếu tớ nói từ nhỏ đến giờ, tớ chưa từng bị áp lực đồng trang lứa, cậu có tin không?

Bằng tuổi tớ, có những bạn đã xây được 2 căn nhà, có những bạn được học bổng toàn phần danh giá vi vu thế giới, có những bạn là giám đốc điều hành những tổ chức hàng trăm nhân sự… Đây đều là những thành tựu đáng ngưỡng mộ đối với tớ.

Nhưng mỗi khi thấy các bạn đạt được một cột mốc nào đó, tớ không thấy áp lực. Lúc đó, suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu tớ là: “À, bạn ấy hẳn đã vất vả nhiều rồi!”


Ngày trước, tớ không chỉ không bị áp lực đồng trang lứa, mà còn từng là một đứa TẠO áp lực đồng trang lứa cho bạn bè.

Không phải tớ hơn người. Chỉ là, điểm mạnh của tớ, những thứ tớ chọn làm, các thành tựu tớ đạt được… trùng với kỳ vọng của xã hội ở từng thời điểm. Vì vậy, tớ mạnh dạn tự cho là bản thân hiểu rõ để được xã hội nhìn nhận là “thành công”, đằng sau sẽ phải đánh đổi bao nhiêu mồ hôi nước mắt.

Hồi đi học, mọi người yêu mến gọi tớ là con-nhà-người-ta. Chỉ có tớ và gia đình, bạn bè thân biết đằng sau cái “danh hiệu” đó là bao nhiêu cơn trồi sụp về tinh thần, là việc ngủ chỉ 2-4 tiếng mỗi ngày, là những lần ốm bệnh mỗi tháng một lần…


Trong tiếng Hàn có một cụm từ tớ cực kỳ thích: 수고했어요 (sugohaesseoyo). Cụm này sử dụng động từ 수고하다 (sugohada), nghĩa là nỗ lực, làm việc, lao động. 수고했어요 có thể dịch nghĩa bóng là “Làm tốt lắm!”, còn nghĩa đen là “Cậu đã vất vả rồi!”.

Khi nhìn thấy một ai đó thành công, ta có thể tập trung ghi nhận nỗ lực của họ – “À, bạn ấy hẳn đã vất vả nhiều rồi!”, thay vì cảm thấy tự ti, hoặc ghen tỵ.

Nếu mọi “thành công” luôn phải đánh đổi bằng một thứ gì đó – thời gian ngủ, thời gian cho các mối quan hệ, thời gian cho các sở thích, thậm chí là sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần… thì câu hỏi là:

Họ “thành công” như vậy rồi đấy; còn cậu, cậu có dám, và có muốn, trả cái giá tương tự để được “thành công” như họ không?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top