Gợi ý: Để hiểu rõ hơn ngữ cảnh của bài viết này, cậu có thể đọc bài Khi ta sống giữa một thế giới MẤT-TẬP-TRUNG… trước nhé.
1. “Outsource” việc lưu trữ thông tin
Có thể cậu biết rồi, hoặc chưa biết: Bộ não con người có khả năng (capability) vô hạn, nhưng dung lượng (capacity) thì giới hạn. Nếu mình bắt não lưu nhiều thông tin, não sẽ buộc phải cắt giảm “chỗ” dùng cho phân tích, ra quyết định. Ngược lại, nếu muốn não dành nhiều “chỗ” cho phân tích, ra quyết định, ta buộc phải giảm lượng thông tin lưu trong não.
Tớ có thể quản lý nhiều dự án phức tạp với 7749 loại task, có thể ôm trọn 4 scope công việc khác nhau cùng thời điểm mà không phát điên. Không phải vì não tớ siêu đẳng, mà vì tớ outsource việc LƯU TRỮ thông tin ra ngoài; chỉ dùng não để XỬ LÝ thông tin.
Cụ thể, tớ đang outsource gần như mọi thứ trong cuộc đời cho Tick Tick, Notion, và Reminders: to-do list (cá nhân và công việc), lịch hẹn, việc tracking thói quen… Tối nay phải làm những việc gì, lịch ngày mai ra sao,… cứ đến giờ sẽ có nhắc nhở.
Từ đó, 100% não được giải phóng để XỬ LÝ thông tin – tập trung trải nghiệm cuộc sống và tối ưu chất lượng mỗi việc mình đang làm.
Cậu có thể tham khảo cách thiết kế hệ sinh thái digital để “outsource” việc lưu trữ thông tin TẠI ĐÂY.
2. Thoát khỏi ách cai trị của notification
Nếu sự tập trung của ta là thành Troy, thì notification hẳn là con ngựa gỗ. 🙂
Nhận notification nội dung gì, với tần suất ra sao, vào thời điểm nào cần được thiết kế một cách nghiêm túc, để notification phục vụ ta, chứ không phá đám ta.
Nếu cậu đang cảm thấy khổ sở và mất tập trung vì những tiếng “Shóp piiii”, “Ting”, “Ting ting”, thì cậu có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết để thoát khỏi ách cai trị của notification TẠI ĐÂY nhé.
3. Áp dụng phương pháp Pomodoro
Được đặt tên theo đồng hồ hẹn giờ trong bếp hình cà chua, Pomodoro chia thời gian làm việc thành các chu kỳ 30 phút, cứ 25 phút làm việc lại đến 5 phút nghỉ ngơi, rồi lặp lại.
Khi không sử dụng Pomodoro, tớ có thể deep work liên tục tối đa 2.5 tiếng trước khi rơi vào tình trạng “mất não” (khó tập trung, khó xử lý tốt các công việc cần tư duy sâu) trong toàn bộ phần còn lại của ngày hôm đó.
Khi sử dụng Pomodoro, tớ có thể deep work 3-4 tiếng vào buổi sáng, nghỉ trưa, rồi tiếp tục deep work khoảng 2-3 tiếng vào buổi chiều, tương đương hiệu suất tăng 250%.
Cậu có thể dùng trang web https://pomofocus.io/ để hỗ trợ bấm giờ khi áp dụng Pomodoro nhé.
4. Nghe âm trắng (white noise)
Âm trắng là một âm thanh có tất cả các tần số có thể nghe được, giúp làm giảm tiếng ồn xung quanh và tăng cường khả năng tập trung.
Qua trao đổi với đồng nghiệp, tớ thấy có vẻ não mỗi người sẽ “bắt” được một loại âm tăng sự tập trung khác nhau – nhạc lofi, nhạc jazz, white noise, brown noise, nhạc thiền, nhạc piano, tiếng ồn trong quán cà phê… Cũng có những người chỉ tập trung được khi xung quanh yên tĩnh tuyệt đối – giữa đêm, khi ở nhà đóng cửa, khi dùng tai nghe chống ồn…
Cậu hãy thử nghiệm để tìm ra môi trường âm thanh tối ưu với bản thân nhé.
5. Ăn các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, macca…)
Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, và macca là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, có thể cung cấp năng lượng và giúp não hoạt động tốt hơn.
Tớ tìm ra được thủ thuật này từ vài workshop brainstorm kéo dài liên tục 4 ngày – sử dụng SPRINT, một phương pháp yêu cầu người tham gia động não RẤT nhiều.
Trong lần workshop (1), người tham gia ăn hạt liên tục; và vào 5h chiều (sau 7-8 tiếng brainstorm), mọi người vẫn còn đủ năng lượng để trao đổi. Trong lần workshop (2), người tham gia không ăn hạt mà chỉ ăn bánh ngọt, trái cây; vào 5h chiều, hầu hết mọi người cảm thấy kiệt sức, ở trạng thái “mất não”.
So sánh giữa 2 lần workshop, những người tham gia (bao gồm tớ), đều đồng thuận rằng: khi ăn hạt, não có nhiều năng lượng hơn để liên tục tư duy sâu.
Một lưu ý nhỏ: Giống như với bất kỳ loại đồ ăn/ thức uống nào khác, việc ăn hạt cần được diễn ra điều độ nhé. Cái gì nhiều quá cũng không tốt mà.
Trên đây là 5 thủ thuật nâng cao khả năng tập trung mà cá nhân tớ đã dùng và thấy hiệu quả. Còn cậu thì sao? Hãy chia sẻ về những thủ thuật hay ho mà cậu biết ở phần comment nhé!