Làm thế nào thoát khỏi ách cai trị của notification?

“Shóp piiii”
“Ting”
“Ting”
“Ting ting”

“Nghe” quen chứ? Giống những âm thanh đập vào tai cậu hàng ngày chứ?


5 cấp độ quản lý notification (trên laptop và điện thoại)

Không gì làm ta mất tập trung nhanh hơn việc nghe thấy âm thanh từ những thông báo (thường là không khẩn cấp, và/hoặc chẳng quan trọng).

Trước đây, nhiều lần tớ bị gián đoạn mạch suy nghĩ, và nhấc điện thoại lên kiểm tra, chỉ để thấy những noti kiểu “Bạn đã nghĩ ra ăn gì cho bữa xế chưa? Đặt ngay với mã giảm giá…”, hoặc “Đặt xe ngay hôm nay với mã…”.

Sau đó, tớ tự hỏi: rốt cuộc những thông tin như thế đem lại giá trị gì cho cuộc đời tớ nhỉ?

Nếu sự tập trung của cậu là một căn nhà, thì việc “thả rông” cho những noti kiểu này xuất hiện chả khác gì cống nạp chìa khoá nhà cho các bên quảng cáo cả. Cậu cho phép họ lao vào nhà bất cứ lúc nào, và gào vào mặt cậu “Ê nhìn tôi nè, tôi có sản phẩm này hay lắm. Mua đi!”, không cần biết lúc đó cậu đang làm gì, có muốn vậy không.

Vậy làm thế nào để thoát khỏi ách cai trị của notification, làm chủ ngôi nhà (sự tập trung) của chính mình? Tính đến hiện tại, tớ tìm được 5 cấp độ “quản lý” như sau:

Cấp độ 1️⃣: Tắt hẳn noti
Cấp độ này khá phù hợp với các ứng dụng mạng xã hội (trừ khi cậu kiếm cơm từ việc quản lý các tài khoản này). Nghĩ thử xem: việc nhận thông báo “A thích bài của bạn”, “B bình luận ảnh của bạn” theo thời gian thực rốt cục hại nhiều hơn hay lợi nhiều hơn cho cậu?

Cấp độ 2️⃣: Cài noti ở chế độ Tóm Tắt (Scheduled Summary)
Điện thoại sẽ gom loạt noti theo từng ứng dụng, và hiển thị vào những thời điểm cố định (do cậu cài đặt) trong ngày.

Cấp độ 3️⃣: Chọn loại noti mình muốn nhận từ mỗi ứng dụng
Ví dụ, với Grab/Gojek/Shopee…, tớ chỉ cho phép ứng dụng gửi noti về trạng thái đặt xe, đặt hàng…; còn các noti quảng cáo thì tớ tắt hoàn toàn. Để cài đặt noti nào mình muốn nhận, noti nào không, cậu mò vào “Cài đặt thông báo” bên trong mỗi ứng dụng (không phải cài đặt chung của máy điện thoại) là được.

Cấp độ 4️⃣: Bật noti ở thời gian thực, nhưng tắt tiếng (và tắt rung)
Đây là lựa chọn không tồi nếu cậu thấy nhức đầu/ ám ảnh với âm thanh “ting ting” mỗi lần tin nhắn/ email đến.

Cấp độ 5️⃣: Bật noti ở thời gian thực, kèm tiếng (và rung)
Rõ ràng, cấp độ này chỉ dành cho những thông báo siêu quan trọng và khẩn cấp thôi.


Một vài suy nghĩ cá nhân về noti công việc

Trong công việc, để trao đổi thông tin, ta có thể gặp trực tiếp, gọi video, gọi điện thoại, nhắn tin, email… Mỗi phương tiện giao tiếp đều có đặc tính và mục đích riêng của nó.

Điểm chung của nhắn tin và email là gì? Là thông tin KHÔNG gấp, KHÔNG cần cậu phản hồi ngay. Tin tớ đi, nếu thực sự cháy nhà thì người ta sẽ gọi cho cậu. Chẳng ai chỉ nhắn tin/ gửi email (mà không gọi) khi thực sự gấp gáp cả.

Ở những giai đoạn bị burn-out, tớ đã tắt toàn bộ noti Outlook, Teams, Zalo – các ứng dụng liên lạc trong công việc của tớ (cấp độ 1️⃣). Tớ muốn là người QUYẾT ĐỊNH khi nào tớ kiểm tra hòm mail, hòm tin nhắn, chứ không phải những người khác.

Hiện tại, tớ (không bị burn-out) cho phép noti những ứng dụng này hiển thị, nhưng tắt tiếng và tắt rung (cấp độ 4️⃣).

Riêng với noti Outlook trên máy tính, tớ vẫn tắt hoàn toàn (cấp độ 1️⃣). Việc này đã cứu rỗi tớ khỏi cảnh đang tập trung làm việc ⇒ tự dưng thấy email bay đến ⇒ ngứa tay ấn vào xem ⇒ rồi mất 25 phút rưỡi (*) mới quay lại được việc ban đầu.
(*) Theo nghiên cứu của Gloria Mark, Đại học California, Irvin.


Có nhiều cách để thoát khỏi ách cai trị của notification. Tuỳ trạng thái tinh thần và đặc tính công việc, cậu hãy linh hoạt chọn cấp độ phù hợp cho mỗi ứng dụng nhé.

Hãy để notification phục vụ mình, đừng để mình phục vụ notification.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top