Dạo này, chẳng hiểu sao tớ lại nghĩ nhiều về những kiến thức kinh doanh vỡ lòng ở năm nhất đại học, trong đó có hai định nghĩa effective vs. efficient.
Trong tiếng Anh giao tiếp hàng ngày, hai từ này có thể dùng thay thế nhau (dịch ra tiếng Việt thì đều là “hiệu quả”, đại loại là đem lại kết quả tốt). Nhưng trong chuyên ngành quản trị kinh doanh, nhiều khi người ta sẽ phân biệt hai thuật ngữ trên như thế này:
Effective = Đạt được mục tiêu đề ra
Efficient = Đạt được kết quả tối đa với mức đầu tư tối thiểu, đồng nghĩa với “tỷ suất hoàn vốn (ROI) cao”
Giả sử mục tiêu là sản xuất 10 cái bánh trong một ngày, thì:
Nếu thuê 10 nhân công để làm 10 cái bánh: effective nhưng không efficient – đạt mục tiêu, nhưng tốn quá nhiều tài nguyên (hiệu suất chỉ đạt 1 bánh/nhân công).
Nếu thuê 1 nhân công để làm ra 5 cái bánh: efficient nhưng không effective, hiệu suất cao đấy (5 bánh/nhân công), nhưng không sản suất đủ mục tiêu 10 cái bánh.
Trong quá trình đi làm, tớ đã gặp nhiều trường hợp người ta vội vã thực hiện những ý tưởng “có vẻ” effective – có thể giúp người ta đạt được mục tiêu, nhưng lại không tính toán độ efficient (ROI). Giả sử mục tiêu là kiếm 10 đồng, nhưng lại đầu tư tận 11 đồng để mang về 10 đồng đó, thì liệu công việc có bền vững?
Ngược lại, cũng có những lúc người ta chăm chăm chọn phương án nào efficient nhất (ROI cao nhất), mà quên mất là nếu đầu tư “bủn xỉn” như vậy, liệu cuối cùng có xong được việc không? Hay lại xôi hỏng bỏng không?
Cho nên, một cách làm phù hợp, kể cả trong công việc hay cuộc sống cá nhân, thì cần trung hoà cả độ effective và độ efficient. Suy cho cùng, hai khía cạnh này đâu phải một mất một còn. Chúng như ba và mẹ ấy, chẳng phải hoà hợp cả hai là tốt nhất sao?