“Thời gian” và “trải nghiệm” là hai khái niệm gần nhau, nhưng không giống nhau.
Nếu tớ ở Sài Gòn 4 năm, nhưng chỉ quanh đi quẩn lại ở nhà rồi đến công ty, thì liệu có hiểu Sài Gòn bằng một bạn ở đây 1 năm nhưng đã xách xe chạy vòng thành phố, gặp gỡ nhiều mảnh đời, nói chuyện với nhiều con người?
Trong thị trường lao động, một người có 10 năm kinh nghiệm liệu có phải là một chuyên gia? Để trả lời được, ta cần biết trong 10 năm đó, họ đã làm những gì. Họ đã làm nhiều thứ, thứ sau khác với, hoặc tốt hơn, thứ trước? Hay họ chỉ lặp lại đúng một việc ở một mức chất lượng qua 10 năm? Và trong những thứ họ làm trong 10 năm đó, bao nhiêu phần trăm còn liên quan đến thế giới hôm nay?
Hoặc đơn giản hơn, một món bánh mì cậu đã ăn hàng chục, hàng trăm lần, nhưng nếu lần nào cậu cũng nhai vội nhai vàng (để kịp giờ đi học, đi làm chẳng hạn), thì liệu cậu có thực sự “biết” món bánh mì đó bằng một người mới ăn lần đầu, nhưng họ ăn từ tốn, mở mọi giác quan để cảm nhận mùi vị không?
Ta gọi “thời gian” là số năm, số tháng, số ngày, số giờ, số phút một việc gì đó đã diễn ra; gọi “trải nghiệm” là độ sâu, là chất lượng, là nhận thức về việc trải qua việc đó, hiểu căn cơ vì sao mọi việc xảy ra theo hướng đó.
Vậy cậu có đang hài lòng về tương quan giữa “thời gian” và “trải nghiệm” trong cuộc sống của mình không?