Một ngày đông giá lạnh, trong một khu trượt băng ở Chicago, một nhóm nghiên cứu đã tiếp cận những người lạ, rồi đề nghị họ tặng một ly cacao nóng cho một người bất kỳ đứng gần đó.
Đây là một thí nghiệm do Amit Kumar – nhà tâm lý học, Phó Giáo sư tại ĐH Texas at Austin, Mỹ – dẫn dắt (*). Trong thí nghiệm, người tham gia (”người cho”) sẽ thực hiện một hành động tử tế đối với một người lạ ngẫu nhiên (”người nhận”), mà không mong cầu bất cứ sự đền đáp nào.
Ngay sau khi tặng xong ly cacao, những người nhận được mời chia sẻ về cảm xúc của họ. Còn những người cho vừa chia sẻ về cảm xúc của mình, vừa dự đoán cảm xúc của người nhận.
Dữ liệu thu thập được cho thấy: Phía người cho thường đánh giá thấp giá trị của sự tử tế từ chính họ. Trong thực tế, phía người nhận cảm thấy tích cực hơn rất nhiều so với mức dự đoán từ phía người cho.
(*) Một thí nghiệm bổ sung đã được thực hiện để xác nhận rằng niềm vui thực sự đến từ việc được nhận một hành động tử tế, thay vì việc được thưởng thức đồ ăn ngon.
Trong nghiên cứu của mình, Kumar kết luận:
Người cho thường tập trung vào việc “Liệu ly ca cao có phải đồ uống người nhận đang muốn không?”; trong khi người nhận tập trung vào việc “Ồ, đã có người làm một điều tử tế cho mình nè.”
Nói rộng hơn, trong cuộc sống, người cho thường tập trung vào việc “Mình đang giúp họ THEO ĐÚNG CÁCH không?”. Trong khi người nhận ít quan tâm món quà có hoàn hảo không; thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến “Ồ, mình đã được giúp đỡ nè”.
Hôm nay chỉ có câu chuyện trên thôi. Bản thân cậu đọc đến đây, thì rút ra thông điệp gì?
(*) Amit Kumar and Nicholas Epley (2020) ,”A Little Good Goes an Unexpectedly Long Way: Underestimating the Positive Impact of Kindness on Recipients“, in NA – Advances in Consumer Research Volume 48, eds. Jennifer Argo, Tina M. Lowrey, and Hope Jensen Schau, Duluth, MN : Association for Consumer Research, Pages: 968-973.
Đọc nghiên cứu tại đây: https://www.acrwebsite.org/volumes/2661594/volumes/v47/NA-48